Chủ nhật, 28/07/2024, 19:23[GMT+7]

ASEAN nỗ lực bảo đảm an ninh lương thực

Thứ 3, 13/11/2012 | 16:22:33
916 lượt xem
Việc hai quốc gia thành viên đang phải nhập khẩu nhiều lương thực nhất của Hiệp hội các quốc gia Ðông - Nam Á (ASEAN) là In-đô-nê-xi-a và Phi-li-pin đang đẩy mạnh thực hiện mục tiêu tự cung tự cấp về lương thực trong vài năm tới, sẽ góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực ở khu vực cũng như trên toàn cầu.

Nông dân Phi-li-pin trồng lúa. Ảnh trekearthe.com

ASEAN có hai nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới là Thái-lan, Việt Nam và các nhà cung cấp tiềm năng như Lào, Cam-pu-chia và Mi-an-ma, nhưng cũng bao gồm hai nhà nhập khẩu gạo lớn của thế giới là In-đô-nê-xi-a, Phi-li-pin và các nhà tiêu thụ gạo như Bru-nây, Xin-ga-po và Ma-lai-xi-a. Trong những năm gần đây, Phi-li-pin là một trong những nước nhập khẩu gạo nhiều nhất thế giới: Năm 2010 nhập khẩu 2,45 triệu tấn gạo; năm 2011 là 860 nghìn tấn và khoảng 500 nghìn tấn trong năm 2012. Bộ trưởng Nông nghiệp Phi-li-pin G.An-ca-la nhận định, trong vụ mùa thu hoạch thứ ba (tính từ tháng 9 đến tháng 1 hằng năm), dự kiến nước này đạt sản lượng 400 nghìn tấn, như vậy nước này chỉ cần nhập khẩu từ 100 nghìn đến 150 nghìn tấn gạo, thậm chí không cần nhập khẩu gạo. Chính phủ Phi-li-pin đã triển khai một chương trình thay đổi lịch thu hoạch lúa mùa ở những khu vực trũng để bảo đảm về thủy lợi, làm tăng sản lượng gạo khoảng một triệu tấn. Từ năm 2011, Phi-li-pin đã tự đáp ứng được 92% nhu cầu gạo trong nước, lượng gạo nhập khẩu giảm còn 8% với khoảng 800 - 900 nghìn tấn. Sản lượng gạo của Phi-li-pin đã tăng 428 nghìn tấn mỗi năm trong giai đoạn 2000 - 2010. Trong năm 2010 - 2011, sản lượng gạo của nước này tăng 911.743 tấn. Bộ Nông nghiệp Phi-li-pin dự kiến sản lượng gạo sẽ đạt 17,8 triệu tấn trong năm nay và hơn 21 triệu tấn vào năm 2013. Trong trường hợp mưa thuận gió hòa và chính phủ thành công khi áp dụng chương trình thu hoạch mới nêu trên, thì từ đầu năm 2013, nước này có thể "tự cung tự cấp" gạo.

In-đô-nê-xi-a vừa thông qua ngân sách Nhà nước năm 2013, ưu tiên phát triển năng lực của ngành nông nghiệp, hướng tới mục tiêu đạt sản lượng 67,82 triệu tấn lúa năm 2012, tự bảo đảm cung cấp lương thực vào năm 2014 và dư cung mười triệu tấn gạo vào năm 2015, tăng cường bảo đảm an ninh lương thực. In-đô-nê-xi-a từng bảo đảm tự túc gạo trong đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, nhưng đã trở thành nhà nhập khẩu lớn về gạo trên thế giới do thu hẹp sử dụng đất nông nghiệp và dân số ngày một tăng. Nước này có mức tiêu thụ gạo hằng tháng khoảng 2,7 triệu tấn và mức tiêu thụ bình quân đầu người 137 kg/năm, cao hàng đầu thế giới. Năm 2011, In-đô-nê-xi-a phải nhập khẩu gạo với số lượng lớn từ Thái-lan, Việt Nam và Ấn Ðộ. Cơ quan Hậu cần quốc gia In-đô-nê-xi-a (Bulog) dự báo, năm nay nước này nhập khẩu khoảng từ 500 nghìn đến 770 nghìn tấn gạo, thấp hơn nhiều so mức 1,8 triệu tấn năm ngoái.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, với các điều kiện thời tiết và vĩ mô bình thường, tổng sản lượng gạo của các nước ASEAN dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 1,37%/năm, từ mức 110,5 triệu tấn năm 2010 - 2011 lên 128,3 triệu tấn năm 2021 - 2022; Diện tích đất canh tác sẽ tăng 0,15% và đạt gần 47 triệu ha vào năm 2022. Theo ADB, trong năm nay ASEAN có thể duy trì sản lượng 110,5 triệu tấn gạo như năm 2011 và có thể giúp thế giới tránh được những cú sốc do giá gạo bằng ưu tiên tự cấp lương thực. Cho đến nay, thị trường lúa gạo khu vực tiếp tục được tổ chức sản xuất ổn định, năng suất hiện tại cho thấy giá gạo tổng thể sẽ vẫn ổn định. Ðiều này có ý nghĩa tích cực trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại về sự biến động giá cả trên thị trường ngô, lúa mỳ và đậu tương toàn cầu.

Với chiến lược tự cấp tự túc lương thực của Phi-li-pin và In-đô-nê-xi-a, khả năng duy trì vị trí hàng đầu về xuất khẩu gạo của hai "vựa lúa" Việt Nam và Thái-lan cũng như sự có mặt của ba nhà xuất khẩu gạo đầy tiềm năng là Cam-pu-chia, Lào và Mi-an-ma, ASEAN không những có thể bảo đảm an ninh lương thực của khu vực, mà còn đóng góp cho nỗ lực bảo đảm an ninh lương thực trên toàn cầu, khi thế giới đang đối mặt nguy cơ khủng hoảng lương thực, do tăng trưởng sản xuất chậm mà nhu cầu lại không ngừng tăng.

Theo Nhân dân

  • Từ khóa