Thứ 2, 26/05/2025, 05:57[GMT+7]

Đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo nghề

Thứ 3, 09/10/2012 | 17:03:32
927 lượt xem
Gần 3 năm triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cho thấy những kết quả tích cực. Đó là đã cơ bản tạo dựng được nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu đã đặt ra. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại cần phải giải quyết trong thời gian tới, đó là việc đào tạo nghề chưa gắn với nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các cơ sở kinh doanh và doanh nghiệp. Chính điều này đã làm cho nhiều lao động khi học xong vẫn không tìm được việc làm phù hợp.

Mục tiêu Đề án 1956 là nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn… Nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Đề án, nhiều mô hình đào tạo đã được thực hiện phục vụ cho yêu cầu của từng địa phương để phát triển kinh tế hộ gia đình cũng như tình hình kinh tế của địa phương. Nhờ đó, đời sống của người dân nông thôn đã phần nào được nâng lên, kinh tế đã có sự chuyển dịch bước đầu…
 
Thực tế cho thấy, chất lượng lao động nông thôn đã làm ảnh hưởng đến thu nhập của chính họ, dẫn đến chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn. Ngay ở nông thôn cũng đã có sự chênh lệch đáng kể về thu nhập giữa người lao động có nghề và người lao động không có nghề. Vì vậy, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn chính là giải pháp nhằm giảm nghèo bền vững. Cần phải tạo cho người dân nông thôn ý thức và khả năng làm giàu ngay trên quê hương mình.
 
Tuy nhiên, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của gia đình, địa phương và yêu cầu của xã hội mà người lao động nên chọn cho mình một nghề để được đào tạo cho phù hợp. Đối với lao động nông thôn, người lao động cần được đào tạo về những nghề có liên quan đến phát triển nông nghiệp và nông thôn như chăn nuôi, thâm canh tăng vụ, tăng chất lượng sản phẩm hàng hóa… Đây chính là vấn đề đang được quan tâm hiện nay. Hiện có những sản phẩm nông nghiệp làm ra, nhưng khâu chế biến không bảo đảm yêu cầu, khiến giá thành không cao làm ảnh hưởng đến giá trị của sản phẩm hàng hóa nông nghiệp. Chính vì chưa có sự quan tâm đúng mực đối với lĩnh vực này nên các sản phẩm nông nghiệp nhìn chung vẫn ở dạng thô, hiệu quả kinh tế chưa cao.
 
Hội nhập đã mở ra nhiều cơ hội cho người làm nông nghiệp giỏi đó là khả năng tự giới thiệu và đưa các sản phẩm trong nước đến với người tiêu dùng trên thế giới. Chính vì thế, việc đào nghề không chỉ dừng lại ở việc đào tạo cho lao động nông thôn mang tính thuần túy mà trong quá trình đào tạo cần phải chú ý đến đối tượng là những người chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh để bồi đắp thêm kiến thức, giúp họ đưa được sản phẩm nông nghiệp ra thị trường một cách tự tin, hiệu quả hơn. Chính họ là những người có thể thu hút được nguồn lao động và tạo việc làm cho người lao động - nền tảng để giúp thoát nghèo cho lao động nông thôn, đặc biệt là những lao động đã qua lớp đào tạo nghề.
 
Gần 3 năm triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cho thấy những kết quả tích cực. Đó là đã cơ bản tạo dựng được nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu đã đặt ra. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại cần phải giải quyết trong thời gian tới. Việc đào tạo nghề chưa gắn với nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các cơ sở kinh doanh và doanh nghiệp. Điều này đã làm cho nhiều người sau khi học xong vẫn không tìm được việc làm phù hợp. Cũng có tình trạng là có những cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp sau khi tiếp nhận người lao động mặc dù đã được đào tạo nghề nhưng cơ sở, doanh nghiệp buộc phải đào tạo lại vì yêu cầu về tay nghề chưa đáp ứng được thực tế công việc. Đây thực sự là bất cập lớn cần phải có hướng giải quyết để các giai đoạn triển khai tiếp theo của Đề án đạt được hiệu quả cao hơn. Hiện cũng đang tồn tại một thực tế là, các trường công lập tuyển sinh lại không đủ chỉ tiêu, trong khi một số tổ chức xã hội – nghề nghiệp như các hội, hiệp hội đã chủ động tổ chức nhiều trường lớp dạy nghề hoặc bổ túc nghề cho người lao động đạt kết quả tốt. Những người sau khi đào tạo có tay nghề vững dễ được tuyển dụng vào vị trí phù hợp.
 
Vấn đề đặt ra hiện nay là để việc đào tạo nghề đáp ứng được đúng nhu cầu của xã hội, của từng cá nhân, từng hộ gia đình và địa phương thì việc tham gia của các tổ chức xã hội nghề nghiệp vào triển khai đào tạo nghề là cần thiết. Việc đào tạo nên theo hướng xã hội hóa, có như vậy, người lao động có nhiều lựa chọn ngành nghề theo học phù hợp để có cơ hội vươn lên thoát nghèo.

Theo daibieunhandan

  • Từ khóa