Thứ 5, 09/05/2024, 19:58[GMT+7]

Chị Bặt vượt khó thoát nghèo

Thứ 6, 25/12/2015 | 08:54:22
1,594 lượt xem
Từ một vùng đất trũng chuyển đổi, với quyết tâm thoát nghèo, chị đã cùng chồng vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ để sau gần 20 năm gây dựng, giờ đây đã có cơ ngơi khang trang và một mô hình chăn nuôi mang lại giá trị kinh tế cao, bảo đảm cho gia đình có cuộc sống ổn định. Chị là Nguyễn Thị Bặt, ở thôn Thượng, xã An Thanh (Quỳnh Phụ).

Nhờ chăm chỉ lao động, gia đình chị Bặt đã thoát nghèo.

Trên con đường về thôn Thượng, chúng tôi không khó để tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Bặt. Nhắc đến chị, hầu hết người dân trong làng đều cảm phục sự kiên trì, bền bỉ của người phụ nữ dám nghĩ, dám làm. Ngồi trong ngôi nhà mái bằng mới xây năm 2013, chị kể cho chúng tôi nghe về hành trình vượt khó của mình. Năm 1991, chị xây dựng gia đình, anh là người cùng làng, hoàn cảnh kinh tế gia đình hai bên đều khó khăn, bản thân anh lại bị khuyết tật, thường xuyên đau yếu nên khó khăn cứ đeo đẳng cuộc sống của anh chị. Sống cùng gia đình chồng được 6 năm, với quyết tâm phải thoát nghèo để có điều kiện chăm lo cho con cái, năm 1997, sau khi vay mượn được một số tiền, anh chị bàn bạc mua tạm mảnh đất ra ở riêng để phát triển kinh tế. Gọi là mảnh đất nhưng thực tế đó chỉ là một cái gò với diện tích 72m2 giữa một vùng ruộng trũng. Những năm tháng đầu tiên đối với vợ chồng chị và hai đứa con thơ ở vùng đất mới gặp biết bao khó khăn, vất vả. Khởi đầu chỉ có đôi bàn tay trắng với ngôi nhà ngói ba gian dựng tạm, công việc nặng nhọc song điều khó khăn nhất chính là sống giữa cảnh đồng không mông quạnh, bốn bề sông nước. Với bản tính cần cù, chăm chỉ, hai vợ chồng chị thực hiện phương châm lấy ngắn nuôi dài: hàng ngày, chị đạp xe đi bóc hạt điều thuê tại Khu công nghiệp cầu Nghìn, mỗi tháng được 1,5 triệu đồng, anh ở nhà chăm con gà, con vịt; sau vài năm tích góp cộng với số tiền 3 triệu đồng tiền hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết, anh chị sửa sang lại nhà cửa để yên tâm mỗi khi mùa bão đến.

Năm 1999, khi địa phương có chương trình dồn điền đổi thửa, chị bàn với anh đổi ruộng cấy lúa của gia đình lấy 6 sào ruộng trũng gần nhà để phát triển kinh tế. Được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quỳnh Phụ cho vay 7 triệu đồng thông qua các đoàn thể của xã, anh chị quyết định đào ao nuôi cá. Không có tiền thuê người, ban ngày chị đi bóc hạt điều, đêm đến cùng chồng xách đèn dầu ra ruộng với chiếc mai, chiếc thuổng để đào ao. Đất đào đến đâu hai vợ chồng dùng xe rùa chở lấp chỗ trũng còn lại. Sau 4 tháng ròng rã vật lộn, công việc đào ao của anh chị cũng hoàn thành. Với số vốn ít ỏi từ việc bóc hạt điều thuê, chị mua cá để thả và một số vịt, gà nuôi kết hợp. Đất không phụ công người, năm 2000, những mẻ cá, những lứa gà, lứa vịt đầu tiên đã mang lại cho gia đình khoản thu nhập 25 triệu đồng. Từ đây, chị đầu tư mở rộng thêm chuồng trại tiếp tục nuôi lợn và nuôi thêm gà kết hợp trồng chè, trồng ớt. Kinh tế ngày một đi lên, năm 2010 gia đình chị đã thoát nghèo, trở thành hộ có kinh tế ổn định trong vùng. Bình quân mỗi năm, gia đình chị có thu nhập hơn 50 triệu đồng từ nuôi cá và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Cầm trên tay bao cỏ vừa cắt để chuẩn bị cho cá ăn, chị Bặt khoe với chúng tôi: Vài tháng trước, gia đình tôi bán được 5 tạ cá trắm và cá trôi cùng 150kg vịt thịt, được hơn 30 triệu đồng. Cứ đà này, gia đình tôi sẽ có điều kiện để sắm sửa nhiều vật dụng có giá trị. Đến nay, gia đình chị đã thoát nghèo bền vững, nhà cửa khang trang, con cái được học hành chu đáo. Nhận xét về chị, bà Trần Thị Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã An Thanh cho biết: Gia đình chị Bặt là hộ có hoàn cảnh khó khăn nhất trong xã nhưng nhờ biết sử dụng đồng vốn vay hợp lý và kiên trì, chăm chỉ phát triển sản xuất nên đã vươn lên thoát nghèo.

Từ những thành công trong phát triển kinh tế, năm 2013, chị Nguyễn Thị Bặt vinh dự là một trong hai nông dân tiêu biểu của tỉnh được Tạp chí Cộng sản tặng Giấy khen "Gương sáng thoát nghèo". Nghị lực vượt khó thoát nghèo của chị là tấm gương sáng cho nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.

Nguyễn Cường

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày