Thứ 2, 29/07/2024, 11:24[GMT+7]

Lễ hằng thuận - dấu ấn tinh thần “nhập thế” của Phật giáo

Thứ 2, 01/10/2018 | 08:46:50
3,438 lượt xem
Lễ hằng thuận là nghi lễ được xem là phương tiện tích cực của Phật giáo nhằm giáo dục cặp đôi cô dâu, chú rể có được sự nhận thức đúng đắn về đời sống hôn nhân hạnh phúc lứa đôi. Đây được xem là nét văn hóa tâm linh đặc thù, thể hiện rõ tinh thần “nhập thế” giữa đạo Phật và hạnh phúc đời thường của Phật tử tại gia.

Một buổi lễ hằng thuận tại chùa Pháp Quang (xã Tam Quang, huyện Vũ Thư).

Trước đây, lễ hằng thuận thường phổ biến ở khu vực phía Nam, song gần đây đã lan rộng ra các tỉnh, thành khu vực phía Bắc, trong đó có Thái Bình. 

Những năm gần đây, chùa Pháp Quang, thôn Thượng Điền, xã Tam Quang (Vũ Thư) thường xuyên tổ chức lễ hằng thuận cho các cặp đôi là các Phật tử hoặc con cái sinh trưởng trong các gia đình có truyền thống theo đạo Phật. 

Nhiều lần tham gia lễ hằng thuận tại chùa, cô Hoàng Thị Hà, tổ 35, phường Quang Trung (thành phố Thái Bình) cho rằng: Việc các cặp đôi lựa chọn tổ chức lễ cưới tại chùa rất ý nghĩa. Tôi thấy buổi lễ diễn ra rất đơn giản nhưng lại rất ấm cúng, trang nghiêm và vô cùng ý nghĩa về đạo đức, văn hóa và tâm linh; không có sát sinh, không bia, rượu, không thuốc lá. Buổi lễ đã giúp cho đôi bạn trẻ hiểu được ý nghĩa của đời sống lứa đôi trong tình thương yêu và tương kính, luôn dìu dắt nhau trên mọi nẻo đường của cuộc đời qua những lời thuyết giảng trực tiếp của sư thầy. 

Với chị Nguyễn Thị Nhân, thôn La Điền, xã Tự Tân (Vũ Thư), lần đầu dự lễ hằng thuận đã để lại trong chị nhiều ấn tượng. Chị chia sẻ: Tôi thấy lễ hằng thuận mang ý nghĩa giáo dục rất lớn, không chỉ giúp cho cô dâu, chú rể hiểu được đạo nghĩa vợ chồng mà đức Phật đã dạy mà còn giáo dục cặp đôi phải làm tròn đạo hiếu. Đặc biệt, khi cô dâu, chú rể thực hiện nghi thức trao nhẫn, sư thầy đã giảng giải, phân tích cặn kẽ, sâu sắc về ý nghĩa của chiếc nhẫn cũng như ý nghĩa của chữ “nhẫn” đối với hạnh phúc trong gia đình. Theo đó, “nhẫn” ở đây là sự nhẫn nhịn, vợ chồng phải biết nhường nhịn nhau, nhẫn nhịn và tôn trọng nhau. Gia đình có êm ấm, có hòa thuận được hay không, phần lớn là do sự nhẫn nhịn quyết định. Qua đó, tôi rất ấn tượng với những giá trị giáo dục mà lễ hằng thuận mang lại.

Một buổi lễ hằng thuận tại chùa Pháp Quang (xã Tam Quang, huyện Vũ Thư).

Đại đức Thích Thiện Quang, trụ trì chùa Pháp Quang cho biết: Mỗi năm nhà chùa tổ chức lễ hằng thuận cho khoảng 10 cặp đôi và xu hướng các cặp đôi lựa chọn tổ chức lễ cưới tại chùa ngày càng tăng. Lễ hằng thuận là nghi thức tương đối đặc biệt dành riêng cho lễ cưới được tổ chức trang nghiêm, trọng thể tại chùa. Ngoài một vài lễ nghi truyền thống của một đám cưới như tuyên bố lý do, trao nhẫn cưới, nhận lời chúc tụng của hai họ, thì nghi thức hằng thuận trong ngày cưới mang đậm dấu ấn đạo đức tâm linh và trí tuệ của đạo Phật, cùng với những định hướng rất cụ thể giúp cho đôi vợ chồng có được một tương lai lạc quan, tươi sáng trên tinh thần giác ngộ. Thông qua buổi lễ, cô dâu và chú rể được lắng nghe những lời dạy bảo của chư tăng để hiểu rõ hơn về lời Phật dạy, nhằm định hướng cho hai người biết thiết lập một nền tảng đạo đức tâm linh vững chắc, cùng nhau vượt qua mọi thử thách của cuộc đời, bảo đảm một cuộc sống hạnh phúc lâu dài bền vững cho gia đình và cho cả con cháu tương lai.

Cũng giống như chùa Pháp Quang, thời gian qua, chùa Hoằng Văn, thôn Hoành Từ, xã Đông Cường (Đông Hưng) đã tổ chức lễ hằng thuận cho nhiều cặp đôi. Theo sư cô Thích Diệu Minh, trụ trì chùa Hoằng Văn: Việc hướng dẫn gia đình Phật tử tổ chức lễ hằng thuận tại chùa nhằm mang lại hạnh phúc bền vững cho gia đình của Phật tử, định hướng cho gia đình Phật tử một cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo” cũng như thuận lợi hơn trong việc tu tiến trên con đường Phật pháp. Đây là một việc làm thiết thực, ý nghĩa đối với xã hội, đồng thời cũng là một trong những phật sự vô cùng quan trọng đối với những người làm công tác hoằng pháp, nhất là đối với các vị trụ trì vốn có duyên gần gũi và thường xuyên tiếp xúc với Phật tử.

Cô dâu, chú rể tri ân công ơn cha mẹ trong ngày trọng đại của cuộc đời.

Hiện nay, khi mà tỷ lệ các cặp vợ chồng ly hôn ngày càng tăng, thì những lời giáo huấn trong lễ hằng thuận có ý nghĩa rất thiết thực trong việc giáo dục, nhắc nhở các cặp vợ chồng luôn luôn sống hòa thuận, tương kính nhường nhịn lẫn nhau, cùng nhau vừa làm tròn trách nhiệm bổn phận của người vợ, người chồng trong đời sống gia đình. Nếu mọi người đều triển khai thực hành những lời dạy của đức Phật, xây dựng một đời sống bình đẳng, tôn trọng, thủy chung, biết cảm thông chia sẻ yêu thương thì chắc chắn rằng hạnh phúc sẽ ở trong tầm tay của mỗi gia đình, khi đó đời sống gia đình sẽ không có sự xung khắc, không còn cảnh chồng ly dị vợ, vợ ly dị chồng, cha mẹ lìa xa con cái mà sẽ có một cuộc sống an lạc, hạnh phúc. Đây là những lợi ích mang tính lâu dài bền vững mà lễ hằng thuận mang lại.

Anh Đào