Thứ 2, 29/07/2024, 13:19[GMT+7]

Một miền di sản tâm linh

Thứ 7, 20/10/2018 | 17:24:51
1,765 lượt xem
Không biết từ bao giờ mà câu ca: “Dù cho cha đánh mẹ treo. Em không bỏ được hội Keo hôm rằm” đã thấm đẫm trong tâm trí người dân Thái Bình nói riêng và khách thập phương nói chung. Nó được truyền miệng từ đời này qua đời khác, để rồi níu kéo người ta về với hội Keo hàng năm. Tháng 9 âm lịch, tiết trời se lạnh, báo hiệu của tiết trời mùa thu. Tôi lại nhớ hội chùa Keo đã đến.

Thật ra, thì hội Keo mỗi năm tổ chức hai lần: hội xuân vào mùng 4 tháng Giêng và hội thu vào trung tuần tháng 9 âm lịch, đây mới là hội chính, để tưởng nhớ công lao của Đức Thánh Thiền sư Không Lộ. Theo các cụ cao niên ở làng Keo kể thì: Lễ hội mùa xuân vừa là lễ hội nông nghiệp, vừa là lễ hội thi tài, gắn với tập quán sinh hoạt của một vùng lúa nước. Còn lễ hội mùa thu lại mang đậm sắc thái của một lễ hội giàu chất sử thi, với các nghi thức truyền thống mà chỉ một lần đến với lễ hội chùa Keo sẽ rất khó quên. Nếu như chùa Keo được đánh giá là một kiến trúc chùa cổ hết sức độc đáo vào bậc nhất trong hệ thống chùa chiền hiện có ở Việt Nam, đó là lý do vì sao năm 2012, chùa Keo được Nhà nước công nhận di sản quốc gia đặc biệt thì lễ hội chùa Keo lại có nhiều nét đặc sắc có một không hai, trong số hàng nghìn lễ hội được tổ chức hàng năm trên khắp cả nước. Vì lẽ đó, năm 2017 lễ hội chùa Keo được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Lễ hội chùa Keo, với sự tích về Thiền sư Không Lộ, phản ánh về một thời kỳ phát triển rực rỡ của Phật giáo ở Việt Nam. Theo Đại đức Thích Thanh Quang, trụ trì chùa Keo thì các hoạt động văn hóa tín ngưỡng độc đáo trong lễ hội chùa Keo có từ hàng trăm năm nay. Mong rằng lễ hội chùa Keo được khôi phục, duy trì và phát huy để tiếp tục lưu giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa độc đáo trong lễ hội truyền thống. 

Câu hỏi đặt ra là: Vì sao lễ hội chùa Keo lại được nhiều người quan tâm đến như vậy? Ngoài yếu tố tâm linh của một ngôi chùa cổ, nơi thờ Thiền sư Không Lộ - người đã lên kinh đô chữa bệnh cho vua Lý Thánh Tông. Chùa được xây dựng năm 1632, có tên là Thần Quang Tự, là một công trình kiến trúc nghệ thuật. Sự độc đáo của chùa Keo mà không phải ở ngôi chùa nào cũng có là vừa thờ Phật lại vừa thờ Thánh, thờ đức Dương Không Lộ. Trải qua gần 400 năm, với biết bao thăng trầm của lịch sử, bao biến cố của thiên tai và phủ trên đó lớp thời gian khá dài, mà nếu không vì sự nổi tiếng và linh thiêng, thì khó có thể phục hồi và phát huy được giá trị của một công trình kiến trúc hết sức độc đáo như chùa Keo. Điều rất đáng mừng là qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, chùa Keo vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo có từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII). 

Theo các nhà chuyên môn đánh giá: Chùa Keo là một di tích có quy mô kiến trúc cổ rộng lớn bậc nhất trong các chùa chiền ở Việt Nam. Một trong kiến trúc độc đáo là gác chuông. Ngoài kiến trúc thì lễ hội chùa Keo vẫn lưu giữ, bảo tồn nguyên vẹn nhiều nghi thức truyền thống như: lễ khai chỉ, mở cửa đền Thánh; tế lễ Phật Thánh trong nội tự chùa, rước kiệu đức Thánh. Trong đó, nghi lễ rước kiệu đức Thánh tại lễ hội chùa Keo là một nghi lễ được tổ chức kỳ công, hoành tráng và cũng tôn nghiêm nhất trong các lễ hội của vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Nghi lễ nhằm tái hiện lại cuộc kinh lý của Thiền sư Không Lộ lên kinh đô chữa bệnh cho Vua Lý Thánh Tông và các sự lệ diễn tả lại cuộc đời của ngài. Nghi lễ rước Thánh được tổ chức vào ngày 14/9, là ngày sinh của Thiền sư Không Lộ, cũng là chính hội của chùa Keo.

Ông  Nguyễn Hữu Kha, trưởng ban khánh tiết chùa Keo cho biết: Công việc này được chuẩn bị từ trước hội nhiều ngày nhưng cao điểm là từ giữa đêm, đến 6 giờ  sáng cuộc rước chính thức bắt đầu. Hàng nghìn người, kéo dài hàng trăm mét, với nhiều thành phần tham gia gồm: người già, trai tráng, phụ nữ, trẻ em… trong các trang phục chỉnh tề, cầu kỳ, cùng với các đạo cụ đa dạng như; kiệu, lọng, long đình, nhang án, trống, chiêng… Nhưng kỳ lạ là tất cả đều trật tự, thành kính, tuân theo các quy định truyền thống nghiêm ngặt. Nghi lễ rước kiệu là nghi lễ mang tính tôn giáo đặc trưng, nhưng lại hết sức đậm đà sắc thái sinh hoạt văn hóa dân gian. Thông qua các nghi lễ ấy dân làng cầu mong đức Thánh phù hộ, độ trì, che chở cho mùa màng bội thu, cuộc sống đủ đầy, an khang, thịnh vượng. Bên cạnh các nghi lễ truyền thống độc đáo và hấp dẫn, lễ hội chùa Keo còn có các cuộc thi tài, các trò chơi dân gian đặc sắc, không phải ở đâu cũng có như: thi bắt vịt, thi nấu cơm, thi ném pháo, thi kèn, thi trống, leo cầu ngô… Thông qua các trò chơi dân gian truyền thống, hình thức biểu diễn nghệ thuật không chỉ tăng sức hấp dẫn của một lễ hội mà còn phản ánh đời sống phong phú, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc của cư dân vùng lúa nước. 

Theo ông Bùi Văn Thương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thể thao huyện Vũ Thư: Qua các trò chơi dân gian như: têm trầu cánh phượng, leo cầu ngô, bắt vịt, đập niêu, bịt mắt đánh trống…, thế hệ hôm nay phần nào hiểu được những thú chơi và nét văn hóa của cha ông ta ngày trước.

Những năm gần đây, công tác tổ chức lễ hội chùa Keo mùa xuân và mùa thu đều được cấp ủy, chính quyền và các ngành từ huyện đến cơ sở quan tâm chỉ đạo. Lễ hội năm nay tuy quy mô không như năm ngoái do có sự kiện đón nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, nhưng việc tổ chức lễ hội vẫn tuân thủ những nghi lễ như truyền thống. Mọi công việc chuẩn bị đã hoàn tất. Hy vọng một lễ hội thành công như mong đợi.
(Ông Phạm Công Diện, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư, Trưởng ban Tổ chức lễ hội chùa Keo)


Phạm Viết Thanh

(Thành phố Thái Bình)