Thứ 2, 29/07/2024, 15:26[GMT+7]

Xông đất đầu năm

Chủ nhật, 03/02/2019 | 16:37:31
1,542 lượt xem
Cứ mỗi độ tết đến xuân về, người người, nhà nhà lại tất bật trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị những món ăn truyền thống và không quên tiến hành các nghi thức cần thiết để cầu mong một năm mới an lành. Tục xông đất được coi là một trong những nghi thức quan trọng, mang nhiều ý nghĩa. Người Việt quan niệm rằng, ngày mùng 1 tết, nếu mọi việc xảy ra suôn sẻ, may mắn thì cả năm cũng sẽ được tốt lành, thuận lợi.

Về Song Lãng (Vũ Thư) những ngày cuối tháng 12 âm lịch, chúng tôi nhận thấy rất rõ sự phấn khởi, hồ hởi trên nét mặt của người dân vùng đất “xứ Lạng hương Mần” khi không khí tết đang đến gần. Người dân nơi đây quan niệm rằng đêm 30 tết là một lễ hội lớn của làng, bởi đến thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, bà con trong xóm ngoài làng, từ người già cho đến thanh niên, trẻ nhỏ hội tụ đông đủ về đình làng Lạng thắp nén tâm nhang, cùng nhau thực hiện tục xông đất truyền thống của làng, đó là lễ rước cồng. Nếu như ở những nơi khác, xông đất chỉ được thực hiện với từng gia đình thì ở Song Lãng, xông đất lại có ý nghĩa như “xông làng, xông xóm”, rất quan trọng đối với người dân địa phương. Có lẽ chưa có nơi nào và ở đâu, tục rước cồng đêm 30 lại được duy trì với các nghi thức độc đáo như ở nơi này. Mặc dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông Hoàng Xuân Liên, thôn Trung, xã Song Lãng năm nào cũng tham gia lễ rước cồng. Ông Liên cho biết: Lễ rước cồng vào đêm 30 tết đã có từ rất lâu đời, trở thành truyền thống tốt đẹp của người dân làng Lạng. Lúc ấy, tất cả mọi người không phân biệt trai hay gái, già hay trẻ đều được tham gia rước cồng, cũng là xông đất cho làng, cho thôn. Được tham gia rước cồng, tôi thấy mình như trẻ ra vài tuổi.
Theo lịch sử, tục đánh và rước cồng trong đêm 30 tết xuất hiện từ sau ngày thiền sư Đỗ Đô viên tịch và duy trì đều đặn từ thế hệ này đến thế hệ khác cho đến tận ngày nay. Đúng thời khắc gần giao thừa, hàng nghìn người từ các nơi kéo về chùa xin lộc đầu năm, rồi theo đoàn cồng đi khoảng 3km từ chùa tới gò Đống Cao (hết địa bàn xã), vừa đi vừa đánh cồng. Từng âm thanh của tiếng cồng phát ra tuy không vang xa nhưng vừa đủ để quyện quanh làng và theo quan niệm của người làng Lạng là để xua đuổi tà ma, quỷ dữ. Trước kia, đoàn cồng đi qua nhà nào, nhà ấy đốt pháo nổ, âm thanh tiếng pháo nối dài, vang rền cả một vùng. Ngày nay, tuy không còn tục đốt pháo nhưng khi đoàn rước đi qua nhà, mọi người trong nhà thường ra đón xem, có người hòa luôn vào đoàn rước cồng. Đoàn người kéo dài, mỗi lúc một đông. Đến địa điểm quy định, hội chủ (người giữ cồng) làm lễ, kết thúc lễ rước cồng. Đến lúc ấy, từng người mới trở về nhà, tiến hành xông đất đầu năm. Người đến xông đất mang theo hương lấy từ chùa, gửi đến gia chủ những lời chúc tốt đẹp, sau đó tự tay cắm hương vào ban thờ gia chủ. Tiếp đó, gia chủ thắp hương cúng gia tiên, cáo thần linh sau khi nhận hương xông đất.
Xuất phát từ quan niệm “Đầu xuôi đuôi lọt” và “Vạn sự khởi đầu nan”, người Việt tin rằng, mùng 1 tết là ngày đầu tiên của năm, vì thế nếu ngày hôm ấy may mắn thì cả năm đó cũng sẽ suôn sẻ và tốt lành. Theo quan niệm đó, việc xông đất vào ngày mùng 1 tết cũng như ngày mở cửa hàng, khai trương, xuất hành đầu năm mới được nhiều gia đình coi trọng.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh cho biết: Tục xông đất đã có khoảng 400 năm về trước. Theo quan niệm của người Việt cổ, mỗi một con người sinh sống trên một mảnh đất được gọi là thổ cư riêng. Mỗi thổ cư sẽ có thổ công canh giữ nhưng sẽ không tránh khỏi ma quỷ xâm nhập. Chính vì vậy, xông đất là một hình thức giúp tiêu tan những điều không may mắn trong năm cũ và mang đến những thứ tốt lành trong năm mới. Người nào cẩn thận hơn sẽ rắc thêm vôi bột để vững tâm hơn trong việc dọa ma, trừ quỷ, đón năm mới suôn sẻ và may mắn. Tết Nguyên đán là thời khắc trời đất giao hòa và chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, một chu kỳ vận hành của trời đất. Chính vì vậy nó mang một ý nghĩa vô cùng to lớn, thể hiện niềm khát khao của con người cho một khởi đầu của cuộc sống tốt đẹp hơn, một năm mới thật nhiều may mắn, an lành cho nên các thủ tục để xông đất cũng rất được coi trọng, khắt khe. Đầu tiên là việc chọn người xông đất. Người ta cho rằng việc xông đất có ảnh hưởng sâu sắc đến vận mệnh của gia chủ trong cả năm. Vì thế, ông bà ta thường có kinh nghiệm rằng: nếu là người lớn, ai có sức khỏe tốt, xởi lởi, thật thà, mặt mũi sáng sủa, không có tang và con cái đông đủ cả trai lẫn gái là vía tốt. Nếu là con trẻ phải ngoan ngoãn, hồn nhiên, vô tư, cho nên người được chọn xông đất phải là người gia chủ cực kỳ tin tưởng và bắt buộc phải là nam giới. Các gia chủ kỵ nhất những người khó tính, hiếm muộn, cô quả. Họ coi người đến xông đất như sứ giả của sự may mắn. Tuổi người đến xông đất cũng là một trong những yếu tố được gia chủ lựa chọn kỹ lưỡng. Điều đáng lưu ý trong việc chọn tuổi đó là tránh tuổi “tứ hành xung”, thường người ta sẽ chọn tuổi hợp với tuổi của gia chủ và năm đó để xông nhà.

Mỗi một địa phương, tục lệ xông đất lại diễn ra theo những hình thức khác nhau nhưng có cùng một điểm chung đó là ai ai cũng đều mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với gia đình mình trong năm mới.


Với mong muốn hòa hợp mọi yếu tố “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”, thời điểm xông đất cũng là một yếu tố rất quan trọng. Nếu như trước kia, người ta thường chọn giờ dần để xông nhà (tức là vào khoảng từ 3 - 5 giờ sáng), thì hiện nay, hầu hết các gia đình sẽ chọn xông nhà sau khi đã đi lễ ở chùa hoặc đền về sau giao thừa. Để chủ động trong việc này, thường là chiều ngày 29, 30 âm lịch, gia chủ sẽ chủ động chọn người, chọn giờ xông đất cho nhà mình. Người đến xông đất sẽ chuẩn bị những thức quà dung dị để biếu gia chủ. Khi đến xông nhà, người được chọn xông nhà sẽ gửi những lời chúc tốt đẹp, có ca có kệ cho năm mới hoặc đơn giản chỉ là 4 chữ “chúc mừng năm mới”. Gia chủ sẽ tiếp đón niềm nở, thiết đãi người xông nhà những thứ đã chuẩn bị sẵn và mừng tuổi người đến xông nhà. Chuyện ăn uống cũng chỉ mang tính tượng trưng cho có lệ, như ăn vài miếng bánh, uống một ly rượu hay chén trà. Nhà nào đã có người đến xông đất rồi thì việc tiếp khách trong ngày mùng 1 tết không có ảnh hưởng gì đến gia chủ, kể cả người tốt vía lẫn xấu vía. Cũng có một số gia chủ chọn người trong chính gia đình của mình để xông đất. Nếu chẳng có ai tốt hơn, thì không ai chắc chắn bằng chính mình là người có khước, từ chốn của thần thánh trở về nhà, mang về từ đó một nén hương đốt sẵn để cắm lên bàn thờ gia tiên.

Đi vào tâm thức của mỗi người và trở thành một nét mỹ tục quý báu của văn hóa dân tộc, xông đất là một tục lệ không thể thiếu của người dân, cho dù tết nay đã khác tết xưa rất nhiều.

Thu Trang