Thứ 5, 16/05/2024, 16:23[GMT+7]

Ngòi bút thay lời tri ân

Thứ 2, 17/06/2019 | 09:01:29
2,512 lượt xem
Đồng hành cùng Báo Thái Bình về công tác tuyên truyền việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng có nhiều cộng tác viên với những bài viết tâm huyết, sâu sắc, nặng lòng với người có công, điển hình là cộng tác viên, nhà báo Công Liêm, nguyên Trưởng phòng Thời sự chính trị (Đài PTTH Thái Bình).

Nhà báo Công Liêm trao đổi với Thiếu tướng Đào Tuấn Anh, Phó Tư lệnh Quân khu 3 về trường hợp quân nhân Trần Văn Căn đăng trên Báo Thái Bình số ra ngày 31/3/2019.

Những năm qua, Báo Thái Bình đã phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện khá tốt công tác tuyên truyền việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về những cách làm hay, sáng tạo của các gia đình chính sách, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, nạn nhân chất độc da cam/Điôxin... trong phát triển kinh tế để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Bên cạnh đó còn phản ánh những vấn đề tồn đọng sau chiến tranh đối với người và gia đình có công như vướng mắc về hồ sơ, thông tin chưa đầy đủ, rõ ràng để làm rõ danh phận, hưởng các chế độ, chính sách. Đồng hành cùng Báo Thái Bình có nhiều cộng tác viên có những bài viết tâm huyết, sâu sắc, nặng lòng với người có công, điển hình là  cộng tác viên, nhà báo Công Liêm, nguyên Trưởng phòng Thời sự chính trị (Đài PTTH Thái Bình).

Mặc dù đã nghỉ hưu song không đi, không viết là ông không chịu được bởi cái nghiệp cầm bút đã ngấm vào máu ông khó mà dứt ra được. Nhà báo Công Liêm viết không vì mục đích lấy nhuận bút mà vì yêu nghề và điều quan trọng hơn cả là ông dành tâm huyết viết về việc giải quyết tồn đọng sau chiến tranh, góp phần tri ân những người có công với cách mạng. Gần 2 năm nay, nhà báo Công Liêm thường xuyên cộng tác với Báo Thái Bình, có rất nhiều bài đăng trên Báo Thái Bình đã tác động không nhỏ đến dư luận xã hội, những khúc mắc của thân nhân gia đình thương binh - liệt sĩ, người có công dần được làm rõ. Mặc dù là nhà báo lão làng nhưng sự khiêm tốn cũng như những trăn trở của ông trước khi viết một vấn đề nào đó ông đều qua tòa soạn để tâm sự, giãi bày với chúng tôi về vấn đề đang muốn viết. Cầm trên tay tập tài liệu mà ông cứ trăn trở như mình đang có lỗi với gia đình liệt sĩ Vũ Trọng Thu, phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình) bởi những điều ông chưa làm được, chưa viết được nhằm chứng minh thêm những căn cứ để ngành chức năng xem xét các chế độ cho người có công.

Nhà báo Công Liêm tâm sự: Làm báo chuyên nghiệp từ năm 1990, tôi viết về nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật là mảng an ninh, quốc phòng, lao động - thương binh và xã hội. Bản thân đi nhiều, gặp nhiều cựu chiến binh, gia đình có công... cống hiến cho cách mạng nhưng sự hy sinh, mất mát của họ chưa được làm sáng tỏ về danh phận và hưởng các chế độ chính sách. Kỷ niệm không bao giờ quên đối với tôi đó là năm 2000 khi xuống làm việc với lãnh đạo xã Vũ Hòa (Kiến Xương) để tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng của địa phương. Lúc ra về, lãnh đạo xã Vũ Hòa nói có trường hợp ông Nguyễn Văn Sử hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ nhưng chưa được suy tôn là liệt sĩ, mong muốn nhà báo tìm hiểu sự việc làm sáng tỏ sự hy sinh của ông Sử để ông được công nhận là liệt sĩ, gia đình được hưởng chế độ. Sau khi nắm bắt tình hình, tôi đã vào Nghệ An - nơi ông Sử đóng quân để làm việc với các ngành chức năng nhằm làm sáng tỏ sự việc. Với nỗ lực đó, bài viết về sự chiến đấu, hy sinh của ông Nguyễn Văn Sử cùng với các chứng cứ do Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An cung cấp được đăng trên Báo Thái Bình. Sau khi báo được phát hành, các ngành chức năng tỉnh Thái Bình đã vào cuộc, tổ chức hội thảo và ông Nguyễn Văn Sử được suy tôn là liệt sĩ, gia đình được hưởng chế độ theo quy định của Nhà nước.

Tuy tuổi đã cao nhưng có lẽ một số phóng viên trẻ còn phải học nhiều ở ông về sự năng động, nhanh nhạy, nhất là hành trình đầy gian nan đi khai thác thông tin, tư liệu để viết bài. Ở mỗi bài viết, độc giả có thể cảm nhận được hơi thở của cuộc sống, sự kiện như chính mình đang hành trình cùng ông tiếp xúc với nhân vật và chứng kiến sự việc. Bài “Tìm danh phận cho chồng” đăng trên Báo Thái Bình số ra ngày 27/7/2018 đúng vào ngày Thương binh - Liệt sĩ như một nén hương thơm thắp cho ngày giỗ đầu của ông Vũ Đắc Roanh. Đọc bài này, có lẽ độc giả cảm nhận được phần nào tấm lòng của tác giả đối với người có công với cách mạng. Nhà báo Công Liêm đã không quản ngại đường xa để vào thành phố Đà Nẵng tìm hiểu sự việc về ông Vũ Đắc Roanh mà theo Giấy báo tử số 4964/KB-TB ngày 1/8/1970 của Bộ CHQS tỉnh Thái Bình, ông Vũ Đắc Roanh ở thôn Lục Bắc, xã Thái Xuyên (Thái Thụy), sinh năm 1950, nhập ngũ năm 1967 đã hy sinh ngày 3/10/1969 tại mặt trận phía Nam. Nhưng ông Roanh không hy sinh mà đầu năm 2017 ông trở về quê hương trong sự vui mừng của người thân và bà con làng xóm. Ông Roanh trở về nhưng danh phận của ông chưa được đơn vị cũ và cơ quan chức năng chứng minh đầy đủ. Để có thông tin đầy đủ về ông Roanh, tác giả đã gặp không biết bao nhiêu nhân chứng, cơ quan chức năng để mong sao danh phận của ông Roanh được sáng tỏ: “Người viết phóng sự này có được thông tin là do gặp được cựu chiến binh Mai Minh Đoan, nguyên là Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 40 đặc công, nguyên Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 280, Quân khu 5. Cựu chiến binh Mai Minh Đoan hiện cư trú tại tổ 28, phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng...”. Đạo đức của người làm báo không cho phép nhà báo Công Liêm bỏ rơi nhân vật của mình giữa chừng, ông tiếp tục đi tìm nhân chứng để đóng góp tiếng nói của mình với các ngành chức năng giải quyết chế độ, chính sách cho ông Vũ Đắc Roanh. “Viết tiếp tìm danh phận cho chồng” là bài tiếp theo đăng trên Báo Thái Bình số ra ngày 12/8/2018 mà nhà báo Công Liêm đã dày công đi tìm nhân chứng, tư liệu...

Ngoài hai sự việc trên, nhà báo Công Liêm còn viết nhiều bài về đề tài này đăng trên Báo Thái Bình và được độc giả nói chung, người có công với cách mạng nói riêng đón nhận, cảm ơn Báo và tấm lòng của tác giả đối với những người đã cống hiến tuổi thanh xuân để lại một phần xương máu, nhiễm chất độc hóa học hoặc đã hy sinh trên chiến trường vì Tổ quốc. Điển hình như các bài: “Cao điểm 384: 10 ngày quyết tử” đăng trên Báo Thái Bình số ra ngày 15/4/2018; “Hy sinh 67 năm chưa được suy tôn là liệt sĩ” đăng trên Báo Thái Bình số ra ngày 17/3/2019; “Bao giờ quân nhân Trần Văn Căn được suy tôn là liệt sĩ” đăng trên Báo Thái Bình số ra ngày 31/3/2019... 

Ông Trần Văn Nhuệ, Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học và công nghệ cơ sở, Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Tôi thấy Báo Thái Bình ngày càng đẹp về hình thức, nội dung sâu sắc, đa dạng, hấp dẫn bạn đọc. Báo tuyên truyền khá đậm về công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Những năm gần đây, trên Báo Thái Bình có nhiều bài viết của cộng tác viên Công Liêm viết về đề tài thương binh - liệt sĩ, người có công với cách mạng khá sâu sắc. Cảm ơn nhà báo Công Liêm, dù tuổi đã cao nhưng đã bỏ công sức lặn lội đi khai thác tư liệu, đã có những thông tin thiết thực, đậm tính nhân văn giúp người có công thêm ấm lòng.

Hướng tới kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2019), nhà báo Công Liêm có tâm thư kèm theo hai tờ Báo Thái Bình gửi Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung về hai trường hợp chưa được suy tôn là liệt sĩ để mong Bộ trưởng có ý kiến chỉ đạo. Bức tâm thư có đoạn: “...Vụ việc của ông Trần Đình San, xã Đông Tân (Đông Hưng), nhập ngũ tháng 1/1946, đến năm 1950 bị giặc Pháp bắt giam rồi bắn chết... (Báo Thái Bình số ra ngày 17/3/2019). Vụ việc của ông Trần Văn Căn, xã Bình Định (Kiến Xương), nhập ngũ năm 1952... tham gia đánh bốt cầu Vật, bị Pháp bỏ bom napan ngày 21/11/1953 và hy sinh (Báo Thái Bình số ra ngày 31/3/2019). Đến nay cả ông San và ông Căn chưa được suy tôn là liệt sĩ, trong khi nhân chứng sự việc phần lớn đã qua đời. Hồ sơ về hai quân nhân được cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình hoàn thiện nhưng chưa được Cục Người có công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) chấp thuận đề nghị Chính phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công và suy tôn là liệt sĩ. Tôi gửi tới Bộ trưởng tâm thư này kèm theo hai tờ báo, rất mong Bộ trưởng chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét giải quyết”. Tâm huyết với nghề và sự cộng tác nhiệt tình của nhà báo Công Liêm với Báo Thái Bình trong tuyên truyền việc thực hiện chính sách hậu phương quân đội đã góp phần cùng các ngành chức năng làm tốt hơn nữa công tác “Đền ơn đáp nghĩa”.

Bình Minh 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày