Thứ 5, 02/05/2024, 08:37[GMT+7]

Thu hút nguồn nhân lực tại chỗ: Cách làm hay của doanh nghiệp

Thứ 4, 03/04/2019 | 08:29:29
2,987 lượt xem
Vài năm trở lại đây, số lượng doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy, xí nghiệp tại khu vực nông thôn ngày càng tăng. Nhờ đó, nhiều lao động không phải đi xa mà vẫn tìm được việc làm ngay tại quê hương với thu nhập ổn định. Đầu tư về nông thôn còn giúp các doanh nghiệp dễ tìm kiếm nguồn lao động, đưa hoạt động sản xuất sớm đi vào ổn định.

Doanh nghiệp tư nhân sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Tây An tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nông thôn.

Trước đây, Minh Lãng (Vũ Thư) là một trong những xã nghề của tỉnh với nghề thêu truyền thống. Song qua thời gian, nghề thêu dần mai một, chỉ còn một vài gia đình duy trì, vì vậy nhiều lao động địa phương đã rời quê lên thành phố tìm việc làm. Tháng 6/2007, Công ty TNHH Creative Source Việt Nam chi nhánh Thái Bình 100% vốn nước ngoài thành lập trên địa bàn xã, chuyên sản xuất giầy dép xuất khẩu đã thu hút hầu hết lao động của địa phương và các xã lân cận vào làm việc. 

Ông Nguyễn Văn Nguyên, Chủ tịch Công đoàn Công ty chia sẻ: Công ty tìm kiếm địa bàn và thấy Minh Lãng và các xã lân cận có nguồn lao động tại chỗ dồi dào nên đã thuê mặt bằng để xây dựng. Hiện tại, số lượng công nhân của Công ty trên 1.600 người, thu nhập bình quân đạt 5,5 triệu đồng/tháng. Các chế độ, chính sách được Công ty thực hiện đầy đủ. 

Chị Đặng Thị Phương, công nhân Công ty tâm sự: Trước đây tôi từng làm ở một số công ty với thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng nhưng lại không tiết kiệm được nhiều do còn chi phí về nhà trọ và sinh hoạt hàng ngày. Từ khi Công ty mở tại địa phương, tôi quyết định về quê xin vào Công ty làm việc để cuộc sống ổn định hơn, được ở gần nhà chăm sóc gia đình và các con. Hiện nay tôi rất hài lòng với công việc của mình. Bình quân thu nhập mỗi tháng trên 5 triệu đồng, được Công ty hỗ trợ phụ cấp ăn trưa; các chế độ đối với người lao động (NLĐ) được Công ty thực hiện đầy đủ, vì vậy tôi xác định sẽ gắn bó lâu dài với Công ty.

Không chỉ có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng nhà máy tại các vùng nông thôn, nhiều người dân địa phương cũng năng động huy động vốn, đầu tư thành lập công ty, xí nghiệp, cơ sở sản xuất... vừa làm giàu cho gia đình vừa góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ. 

Tại Tiền Hải, Doanh nghiệp tư nhân sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Tây An do bà Phạm Thị Ngắn (xã Tây An) làm chủ mỗi năm giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Hiện nay, ngoài số lao động thường xuyên tại cơ sở khoảng vài trăm người, số lao động vệ tinh trên 7.000 người ở khắp các địa phương trong tỉnh có thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng, giúp doanh thu mỗi năm của cơ sở lên đến hàng chục tỷ đồng. 

Bà Ngắn chia sẻ: Ở quê, sau mỗi mùa vụ, lao động nhàn rỗi nhiều, trong khi nghề truyền thống và nguyên liệu của quê hương lại sẵn nên tôi quyết định mở cơ sở để giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho NLĐ.

Hiện nay, để thu hút lực lượng lao động ở các địa phương, một số doanh nghiệp đã bố trí xe ô tô về các vùng nông thôn để đưa đón công nhân làm việc tại các khu công nghiệp và đưa ra nhiều chế độ đãi ngộ đối với NLĐ. Khi doanh nghiệp mở cơ sở sản xuất tại địa phương rất nhiều lao động đã ở lại quê hương làm việc. 

Ông Phạm Ngọc Kế, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Trước thực tế nhiều lao động nông thôn rời quê ra thành phố hoặc tỉnh ngoài tìm việc, vài năm gần đây nhiều doanh nghiệp đã thuê mặt bằng xây dựng nhà máy để thu hút nguồn nhân lực tại chỗ, giải quyết việc làm cho nhiều lao động với thu nhập ổn định. Điển hình như Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao (MXP) mở một số nhà máy tại các huyện, thành phố thu hút số lượng lớn lao động các địa phương trong tỉnh.

Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh, hết năm 2018 toàn tỉnh có trên 141.000 công nhân viên chức lao động với thu nhập bình quân 4,2 triệu đồng/tháng; số lao động thiếu việc làm trên 1.500 người. Thực tế, những người này đều đã từng làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhưng do chỗ ăn ở chật hẹp, điều kiện sinh hoạt hạn chế nên phải tìm chỗ làm việc mới. 

Ông Trần Văn Toản, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: Nhìn chung, NLĐ đều mong muốn có công việc ổn định, mức thu nhập bảo đảm cho cuộc sống. Tuy nhiên, bên cạnh các doanh nghiệp luôn quan tâm, thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với NLĐ thì vẫn còn một số doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động. Vì vậy, việc doanh nghiệp mở cơ sở tại địa phương sẽ giúp NLĐ có nhiều sự lựa chọn để tìm kiếm công việc phù hợp; đồng thời, tạo ra sự cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong việc thu hút nguồn nhân lực thông qua việc thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với NLĐ cũng như các cơ chế khuyến khích NLĐ để họ yên tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Nguyễn Cường