Thứ 5, 09/05/2024, 20:12[GMT+7]

Nam Hưng chủ động phòng, chống thiên tai

Thứ 2, 13/08/2018 | 08:51:41
968 lượt xem
Là xã ven biển, thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp khi có bão, lụt xảy ra, do đó, trước mùa mưa bão, xã Nam Hưng (Tiền Hải) đã triển khai các phương án, sẵn sàng cho công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản.

Các sông trục, sông dẫn được khơi thông dòng chảy bảo đảm tiêu thoát nước trong mùa mưa bão.

Ông Bùi Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Nam Hưng cho biết: Trước diễn biến của thời tiết ngày càng cực đoan, xã đã tích cực tuyên truyền nhân dân phòng, chống lụt, bão theo phương châm “chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”. Thành lập ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phân công trách nhiệm cho từng thành viên thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó khi thiên tai xảy ra. Thành lập các tiểu ban tiền phương, hậu phương, cứu hộ, cứu nạn. Tổ chức đội xung kích gồm 150 người, đội cứu thương 20 người. Về vật tư, phương tiện, hậu cần, đã chuẩn bị 1.000 bao bì, 10kg dây thép gai, thiết bị chiếu sáng, máy phát điện, hợp đồng với các hộ dân chuẩn bị tre, luồng, trưng dụng 2 xe ô tô tải; lương thực, thực phẩm giao cho HTX DVNN đảm nhận... 

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn xã đã xây dựng kế hoạch đến các tiểu ban, trong đó theo dõi sát diễn biến bất thường của thời tiết để kịp thời xử lý các sự cố, sơ tán dân; kêu gọi tàu, thuyền vào nơi tránh trú an toàn khi bão đổ bộ; kiểm kê và bổ sung trang thiết bị phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, nhu yếu phẩm... Đồng thời, phân công nhiệm vụ cho các thôn phụ trách từng đoạn đê, điểm xung yếu. Vận động, tổ chức hướng dẫn cho người dân những biện pháp chủ động phòng, chống lụt, bão, úng ngập, giảm nhẹ thiên tai của địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”. Chủ động kiểm tra, phát hiện những khu vực có nguy cơ mất an toàn; có phương án bảo vệ sản xuất, di dời tài sản, người đến nơi an toàn. 

Để hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, ngoài giải pháp ứng phó của cấp chính quyền, xã còn tuyên truyền đến người dân không chủ quan, lơ là, chủ động mọi phương án tốt nhất để bảo vệ tính mạng và tài sản của mình. Thực hiện rà soát, ký cam kết các hộ dân ở khu vực ngoài đê trước khi có bão đổ bộ phải khẩn trương di dời vào nơi tránh trú an toàn, sẽ tổ chức cưỡng chế đối với các trường hợp cố tình không di chuyển. 

Đối với các công trình đê, kè, cống, trước mùa mưa bão năm nay xã đã phối hợp kiểm tra, kiến nghị với cấp trên có kế hoạch đầu tư kinh phí tu sửa. Điển hình như cống Khổng được xây dựng từ năm 1968 xuống cấp nghiêm trọng, được khởi công xây dựng với thiết kế đúng tiêu chuẩn cống tưới, tiêu gồm 2 cửa với kinh phí đầu tư trên 10 tỷ đồng. Hiện nay, cống Khổng đã đưa vào sử dụng đóng vai trò rất quan trọng trong việc tiêu thoát nước cho vùng nội đồng của địa phương và một số xã trong khu vực. 

Để bảo đảm cho hệ thống sông dẫn tiêu thoát nước, nhân dân và chính quyền địa phương mong tỉnh tiếp tục hỗ trợ kinh phí để xây dựng đoạn kè trong nội đồng tiếp giáp với cống Khổng nhằm chống sạt lở gây ảnh hưởng đến các hộ dân sống ven sông.

Mạnh Thắng