Thứ 5, 09/05/2024, 16:53[GMT+7]

Giảm nghèo cho đối tượng yếu thế cần những chính sách phù hợp (Kỳ 2)

Thứ 2, 10/09/2018 | 08:21:02
2,170 lượt xem
Với nhiều chính sách hỗ trợ cùng nỗ lực vượt khó vươn lên của bản thân, nhiều đối tượng yếu thế đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, chiếm tỷ lệ cao trong hộ nghèo là những đối tượng yếu thế, bản thân họ đều mong muốn thoát nghèo nhưng với những hoàn cảnh đặc biệt, việc thoát nghèo với họ sẽ mãi là hy vọng.

Người khiếm thị làm việc tại cơ sở sản xuất tăm tre thuộc Hội Người mù huyện Thái Thụy.

Kỳ 2: Muốn thoát nghèo - khó thoát

Những người không thể thoát nghèo


Năm nay 88 tuổi, nhưng cả cuộc đời của cụ Vy Thị Thuyên, thôn Trà Đông, xã Quang Trung (Kiến Xương) không có lấy một ngày được vui vẻ. Trong số 5 người con của cụ thì 3 người khuyết tật (người mắc bệnh tâm thần, người bị mù, người bị mọt xương), 2 người con lành lặn thì cuộc sống cũng khó khăn. Gia đình cụ thuộc diện hộ nghèo có “thâm niên” trong xã. Năm 2017, người con trai mắc bệnh tâm thần của cụ qua đời nhưng gánh nặng khó khăn cũng chẳng giảm bớt là bao. Hàng tháng, với 270.000 đồng từ kinh phí trợ cấp người cao tuổi của cụ cùng số tiền trợ cấp gần 1 triệu đồng cho 2 con bị khuyết tật, mọi chi phí sinh hoạt và tiền thuốc cho các con, việc chi tiêu trong gia đình cụ cũng không đủ, vì vậy mong muốn thoát nghèo đối với gia đình cụ thực sự rất khó khăn, nếu không nói là không thể. Chưa kể, căn nhà cấp 4, không có vật dụng gì đáng giá được xây dựng hơn 60 năm luôn trong tình trạng ẩm ướt do thấm dột cũng không biết khi nào mới có tiền để sửa. 

Chia sẻ về hoàn cảnh khó khăn của gia đình, cụ Thuyên tâm sự: Với hoàn cảnh gia đình tôi, mẹ cao tuổi, con khuyết tật, hàng tháng phải trông chờ vào trợ cấp của nhà nước và sự quan tâm của các tổ chức xã hội, chẳng biết khi nào mới thoát khỏi cảnh nghèo khó. Chắc chỉ chết mới hết cảnh nghèo. 

Không muốn mẹ mãi thuộc hộ nghèo, người con trai thứ trong số 2 người con còn khỏe mạnh của gia đình cụ Thuyên xin rút khỏi hộ nghèo. Song với điều kiện sức khỏe của cụ Thuyên ngày một già yếu, con cái bệnh tình không khá hơn; mọi vật dụng của gia đình cũng chẳng được cải thiện, vì vậy dù có mong muốn rút khỏi danh sách hộ nghèo thì cái nghèo vẫn đeo đẳng với gia đình.

Đã nhiều năm nay, gia đình anh Phạm Đức Dư, phường Đề Thám (thành phố Thái Bình) luôn bị cái nghèo đeo bám. Gia đình anh Dư có 5 thành viên thì có tới 3 người khuyết tật. Bản thân anh Dư bị khiếm thị từ năm 7 tuổi, sức khỏe yếu không thể làm công việc nặng. Bố anh - ông Phạm Văn Lành, 65 tuổi và chị gái Phạm Thị Huyền, 40 tuổi đều bị khuyết tật thần kinh, không thể tự lo việc sinh hoạt hàng ngày. Vì thế, mọi việc trong gia đình đều đổ dồn lên đôi vai của vợ chồng anh. Bị khiếm thị lại sức khỏe yếu nên anh Dư không thể đi lao động mà chỉ ở nhà vừa trông con nhỏ mới 2 tuổi, vừa chăm sóc, trông nom bố và chị. Hiện, toàn bộ chi phí sinh hoạt của gia đình chỉ trông chờ vào tiền lương hơn 3 triệu đồng/tháng của vợ anh và tiền trợ cấp của 3 người. Tuy nhiên, số tiền trợ cấp cũng chỉ được gần 1,5 triệu đồng/tháng. 

Anh Dư chia sẻ: Trước kia, khi chưa lập gia đình, tôi đã được Hội Người mù tỉnh cho đi học nghề tẩm quất nhưng hoàn cảnh gia đình quá éo le. Đi học mà tôi không thể tập trung bởi lo cho bố và chị ở nhà. Vì thế, việc học nghề cũng đành bỏ dở. Sau đó, tôi xin đi bán gạo nhưng mắt kém, sức khỏe yếu do cột sống bị thoái hóa không bê được đồ nặng phải nghỉ làm.

Mới ở tuổi 35 và còn trong độ tuổi lao động, dù rất muốn có được một công việc, có thu nhập để giảm bớt gánh nặng kinh tế gia đình nhưng với hoàn cảnh như hiện nay, anh Dư cũng khó có thể thực hiện được niềm mong ước của mình.

Gia cảnh của anh Phạm Đức Dư (thành phố Thái Bình).

Hạ tỷ lệ hộ nghèo, ngày càng khó


Những năm qua, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đã được các ban, ngành, địa phương triển khai tương đối đồng bộ, trong đó chính sách hỗ trợ vốn phát triển kinh tế và đào tạo nghề là hai chính sách lớn đem đến nhiều cơ hội giúp người nghèo thoát nghèo. 

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, trong giai đoạn 2011 - 2015, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho 35.700 lượt hộ nghèo vay vốn sản xuất với số tiền hơn 504,107 tỷ đồng; 12.677 lượt hộ nghèo vay tín dụng học sinh, sinh viên với số tiền hơn 200,899 tỷ đồng; 2.850 hộ vay làm nhà ở với tổng số tiền 22,796 tỷ đồng...  Riêng năm 2017, đã có 1.077 hộ nghèo và 1.609 hộ cận nghèo được hỗ trợ chính sách vay vốn ưu đãi với số tiền 100 tỷ đồng, trong đó 902 hộ cận nghèo vay tín dụng học sinh, sinh viên với số tiền 38,9 tỷ đồng, 690 hộ cận nghèo vay tín dụng phát triển sản xuất, kinh doanh với số tiền hơn 24,1 tỷ đồng. 

Trong năm 2017, các cơ sở đào tạo nghề đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 1.516 lao động nông thôn, trong đó có 43 lao động thuộc hộ nghèo.  Song sự hỗ trợ đó chỉ có tác động đến các hộ nghèo do thiếu vốn, phương tiện sản xuất còn đối với các hộ nghèo không có sức lao động như gia đình cụ Vy Thị Thuyên hay anh Phạm Đức Dư thì mọi sự hỗ trợ về vay vốn hoặc đào tạo nghề đều không thể thực hiện. 

Ông Vũ Văn Nho, cán bộ lao động - thương binh và xã hội xã Quang Trung (Kiến Xương) cho biết, theo rà soát vào năm 2017, toàn xã còn 129 hộ nghèo, chiếm 4,28%, trong đó có tới 95 hộ không có khả năng thoát nghèo bởi hoàn cảnh gần giống như gia đình cụ Thuyên, như gia đình nhiều người khuyết tật, hộ cao tuổi neo đơn, ốm đau, bệnh tật, không có sức khỏe làm việc. 

Còn trên địa bàn toàn tỉnh, theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, xét theo tiêu chí nghèo đa chiều, đến hết năm 2017 còn 25.349 hộ nghèo (chiếm 4,01% số hộ toàn tỉnh) và 21.250 hộ cận nghèo (chiếm 3,41%). Theo khảo sát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nếu như năm 2016, trong tổng số 28.747 hộ nghèo toàn tỉnh, trong đó có 20.168/28.747 hộ nghèo trong hộ có ít nhất một thành viên trở lên là đối tượng bảo trợ xã hội (chiếm 70,15%); 12.017/28.747 (chiếm 41,8%) hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội (tất cả các thành viên trong hộ đều là đối tượng bảo trợ xã hội) thì đến năm 2017, trong tổng số 25.349 hộ nghèo có 20.106 hộ nghèo (chiếm 79,3%) trong hộ có ít nhất một thành viên là đối tượng bảo trợ xã hội và có 11.519/25.349 (chiếm 45,4%) hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội, tất cả các thành viên trong gia đình đều là các đối tượng bảo trợ xã hội.

Qua nhiều năm giảm nghèo, với các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước cùng sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân, những năm trước đây, số hộ nghèo trong tỉnh đã giảm tương đối mạnh. Như trong giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm từ 8,12% xuống còn 2,9%, trung bình mỗi năm giảm 1,3%. Song từ năm 2016 - 2017, tỷ lệ hộ nghèo chỉ giảm 0,6%. 

Nếu theo cách tính theo chuẩn nghèo đa chiều hiện nay, số hộ nghèo cao hơn so với cách tính theo chuẩn nghèo đơn chiều. Mặc dù vậy, theo đánh giá, việc hạ tỷ lệ hộ nghèo sẽ ngày càng khó khăn bởi số hộ nghèo còn lại hiện nay phần lớn nằm trong các đối tượng yếu thế như hộ có nhiều người khuyết tật, già cả neo đơn, ốm đau dài ngày… Như trong hai năm 2016 - 2017, tổng số hộ nghèo giảm 3.398 hộ, song số hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội chỉ giảm được 498 hộ. Hộ nghèo thuộc nhóm đối tượng bảo trợ xã hội chiếm tỷ lệ cao trong khi đó chưa có chính sách riêng nên số hộ nghèo thuộc nhóm này hầu như không giảm và là nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc không đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 1% trở lên/năm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra. 

Theo đánh giá của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, do số hộ gia đình thuộc diện chính sách bảo trợ xã hội chiếm tỷ lệ cao, họ hầu như không có bất kỳ một sức lao động nào nên việc tác động các giải pháp giảm nghèo cho những hộ gia đình này là khó khả thi. Vì vậy, với những hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội nên đặt trong chính sách trợ giúp xã hội, tách khỏi chính sách giảm nghèo, từ đó mới có cơ sở xác định và thực hiện chính sách giảm nghèo hiệu quả.

(còn nữa)

Nhóm phóng viên