Chủ nhật, 28/04/2024, 13:23[GMT+7]

Tháo “nút thắt” trong xử lý nợ xấu (Kỳ 1)

Thứ 3, 18/09/2018 | 08:38:37
2,665 lượt xem
Mặc dù mới ban hành được 1 năm nhưng Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu (XLNX) của các tổ chức tín dụng (TCTD) đã góp phần cùng ngành Ngân hàng tháo gỡ “nút thắt” trong công tác XLNX.

Hoạt động giao dịch ở Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội Chi nhánh Thái Bình.

Kỳ 1: Tác động “kép” từ Nghị quyết số 42

Là một trong những ngân hàng có quy mô hoạt động lớn, thời gian qua, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) Chi nhánh Thái Bình không chỉ tập trung mở rộng quy mô kinh doanh mà còn chú trọng công tác XLNX, từ đó đưa tỷ lệ nợ xấu về ngưỡng an toàn. 

Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Chi nhánh khẳng định: Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42 của Quốc hội có ý nghĩa rất quan trọng, mở ra nhiều hướng XLNX mới cho Chi nhánh, khắc phục được những khó khăn, vướng mắc, bất cập về mặt pháp lý so với các quy định hiện hành trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm; đồng thời, huy động được sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, địa phương, từ đó giúp Chi nhánh nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục XLNX theo đúng quy định. Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 42, Vietinbank Chi nhánh Thái Bình đã xử lý, thu hồi 27,2 tỷ đồng nợ xấu trong đó nợ xấu nội bảng 8,7 tỷ đồng, nợ xấu ngoại bảng 18,5 tỷ đồng. Nhờ có Nghị quyết số 42 mà Chi nhánh đã giải quyết dứt điểm 20 khoản nợ xấu với tổng số tiền thu được 9,3 tỷ đồng, hơn 80 khách hàng đã hợp tác, cam kết trả nợ dần với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng; khởi kiện ra tòa án 15 vụ với tổng số nợ gốc hơn 45 tỷ đồng... Đến ngày 20/8/2018, nợ xấu nội bảng của Chi nhánh đã giảm 0,62% so với trước khi có Nghị quyết số 42, tổng số nợ xấu nội bảng của Chi nhánh còn 44,2 tỷ đồng, chiếm 0,58% tổng dư nợ.

Không chỉ có Vietinbank Chi nhánh Thái Bình mà các TCTD khác trên địa bàn cũng cho rằng Nghị quyết số 42 đã tạo động lực giúp các đơn vị chủ động hơn trong công tác XLNX. Để việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42 mang lại hiệu quả cao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 5/9/2017 triển khai thực hiện đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 và ban hành Kế hoạch số 18/KH-THB1 ngày 31/7/2017 hướng dẫn các TCTD trong toàn ngành xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu, đồng thời triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh, từ đó không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng. 

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh còn chỉ đạo các TCTD thực hiện đánh giá lại chất lượng, khả năng thu hồi của các khoản nợ để có biện pháp xử lý thích hợp; xử lý triệt để nợ xấu và phòng ngừa, hạn chế nợ xấu gia tăng trong tương lai; đồng thời, thực hiện các biện pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng, bảo đảm mở rộng tín dụng phù hợp với khả năng nguồn vốn của TCTD, chỉ tiêu định hướng của Ngân hàng Nhà nước và chỉ tiêu do hội sở chính của TCTD giao.

Thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 42, công tác XLNX trong toàn ngành đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến ngày 14/8/2018, các TCTD trên địa bàn tỉnh đã xử lý 241,461 tỷ đồng nợ xấu trong đó khách hàng trả nợ 152,667 tỷ đồng, bán phát mại tài sản bảo đảm 29,155 tỷ đồng, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro 53,617 tỷ đồng, bên thứ ba trả nợ 876 triệu đồng, tổng nợ xấu đã bán 2,055 tỷ đồng và hình thức khác 3,091 tỷ đồng. 

Nghị quyết số 42 không chỉ tháo được “nút thắt” trong công tác XLNX mà còn góp phần nâng cao chất lượng tín dụng trong toàn ngành. Đến ngày 31/8/2018, tỷ lệ nợ xấu của các TCTD trên địa bàn ước chiếm 0,91% tổng dư nợ cho vay (không bao gồm dư nợ, nợ xấu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam Chi nhánh Thái Bình).

Để xử lý triệt để nợ xấu và phòng ngừa, hạn chế nợ xấu gia tăng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thực hiện hỗ trợ các TCTD, quỹ tín dụng nhân dân tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý, phát mại tài sản bảo đảm; thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với XLNX đã được phê duyệt; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai, thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với XLNX thông qua việc lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch thanh tra hàng năm...
Bà Phan Thị Tuyết Trinh,
(Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh)


Theo Nghị quyết số 42:

  • Nợ xấu là khoản nợ được hình thành và xác định là nợ xấu trước ngày 15/8/2017; khoản nợ được hình thành trước ngày 15/8/2017 và được xác định là nợ xấu trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực. Nợ xấu bao gồm: khoản nợ đang hạch toán trong, ngoài bảng cân đối kế toán của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và được xác định theo đúng quy định của Nghị quyết; khoản nợ xấu mà tổ chức mua bán, XLNX đã mua của TCTD;Tổ chức mua bán, XLNX được mua khoản nợ xấu đang hạch toán trong, ngoài bảng cân đối kế toán của TCTD, trừ TCTD liên doanh và TCTD 100% vốn nước ngoài, được chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thanh khoản nợ xấu mua theo giá thị trường theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
  • Tổ chức mua bán, XLNX được bán nợ xấu cho pháp nhân, cá nhân, bao gồm cả doanh nghiệp không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ;
  • Tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, chính quyền địa phương các cấp cùng có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết.

(còn nữa)

Minh Hương