Thứ 2, 12/08/2024, 06:33[GMT+7]

Dấu ấn thời gian

Thứ 2, 26/12/2016 | 14:48:49
519 lượt xem
Mùa đông đem lạnh đã về. Đường quê vui mắt những áo đỏ, áo xanh. Đồng quê cày ải đã xong, đất được ải phơi màu bạc trắng. Chỉ còn vạt vàn cao được xen tăng vụ màu đông là còn xanh màu dưa, bí, cải... Một năm sắp sửa đi qua.

Nông dân Trung An (Vũ Thư) thu hoạch rau vụ đông. Ảnh: Nguyễn Thơi.

 

Chiều đông, áo ấm, chân giày thong dong đi bộ ra đồng. Nông thôn mới đường bờ vùng cứng hóa. Thư thái tâm hồn mà ta bước say mê. Cứ thả lòng hưởng không khí đồng quê. Làn gió nhẹ ta hít căng lồng ngực. Cứ như thế đắm chìm trong cảnh sắc. Thực hương nội gió đồng nhè nhẹ, dần dần ùa về dẫn dụ bàn chân, mời gọi trái tim để từ sâu thẳm lòng ta lại trở về miền ký ức. Ðây rồi! Con ngòi nhỏ ngày xưa giờ chỉnh trang thành mương dẫn nước, bờ đắp to tiện máy cày, máy gặt. Ðoạn cuối kia ta còn nhớ đông xưa con cò trắng co ro ruộng ải. Dưới mương, mẹ ta, chị ta quần xắn cao quá gối ngăn be tát cá. Tiếng thì thòm tát cá cứ ám ảnh đi theo và còn mãi trong ta. Những con cá quả, những chú cá rô lấm láp là thành quả của sự dẻo dai tát nước be bờ. Một con ngòi phải chia làm nhiều đoạn, bắt cá xong lại đắp lại tháo nước đoạn tiếp theo. Thế rồi chỉ mấy hôm sau nước trong đầy lại thấy cá lên đớp bóng, sóng nhẹ loang gần bởi làm gì kịp có cá to. Nhưng nhà quê, ngày đông nông nhàn, thức ăn khan lại cùng nhau ra tát lại. Thật lạ kỳ, đúng như câu các cụ dạy “có nước là có cá”. Dẫu không có cá to, chỉ mẻ thòng đong, mớ cá cờ cũng đủ làm ta vui mắt. Thật diệu kỳ lối truyền dạy của ông cha, chỉ mớ thòng đong với bát dưa cải củ muối chua vàng thế mà niêu nước dưa mẹ nấu cá vụn ấy cứ sôi đến đâu là thơm đến đấy. Giản dị bữa cơm quê đạm bạc, gạo quê, món nước dưa nấu mớ cá vụn đồng quê đưa đẩy cùng gắp rau diếp thái nhỏ, tôi tin chắc rằng ai đã từng trải qua những năm tháng ấy thì không thể nào quên.

Với tôi, hình ảnh mẹ tôi, chị tôi ngày ấy cùng hương vị bữa cơm quê những chiều đông ấy cứ ám ảnh, theo tôi không thể nào quên. Mà thực lòng tôi cũng chẳng muốn quên, để tình làng, hồn làng hòa nhập vào tôi... Ðây rồi! Cầu Lọ Mực. Sông thì nhỏ nên cầu cũng nhỏ nhưng phải làm cao nên từ xa nhìn lại như cái lọ mực để tiện cho thuyền chở lúa, chở rạ không phải “tăng bo”. Cầu Lọ Mực là cầu nối hai vùng vàn trũng bên sông. Nhớ ngày xưa từ xa nhìn lại thấy mướt mát màu xanh nhưng lại gần thì là xanh năn, xanh lác. Ðến vụ gặt chỉ lựa mà cắt lấy những bông lúa cố vươn lên trong đám cỏ năn. Cũng đúng thôi, ngày ấy sông ngòi ách tắc, dịch vụ thủy nông chưa phát triển, khu ruộng trũng quanh năm không được thau chua rửa mặn chỉ là nơi trú ngụ của chuột bọ, sâu rầy thì lấy đâu ra mà năng suất... Qua cầu Lọ Mực quay về thì ta gặp trang trại của những ông chủ mới. Khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư mới mở, lý tưởng về vị trí, bảo đảm môi trường không gian, vừa không có mùi ảnh hưởng đến khu dân cư vừa cách xa tránh sự cố lây lan dịch bệnh. Với tư duy mới cùng cách làm hiện đại, quy trình khép kín từ tự chủ động con giống đến lúc xuất chuồng, thực hiện nghiêm quy trình quy chuẩn trong chăn nuôi, đầu ra ổn định. Thu nhập tăng, uy tín lên cao... Theo đường bê tông nội đồng đưa ta tới cánh đồng màu. Cải vẫn xanh, dưa cuối vụ, bí đang tàn. Ấy là lúc từ khoảng hở giữa hai gốc bí lại vươn lên rau tầm khúc thân quen. Gọi là rau nhưng lại tự vươn lên như cỏ thế thôi. Chả được gieo trồng, chả được chăm bón, chỉ bòn mót chút lộc rơi lộc vãi của cây bí, cây dưa cùng sự ban phát của gió sương trời với hơi nước đất, ấy thế mà tầm khúc mơn mởn lên xanh. Như biết phận mình, tầm khúc chỉ vươn lên khi trái bí đã to, dây bí gần tàn. Không phải tháo giày bởi ruộng màu khô, lựa ngọn to hái về nẹn rau tầm khúc. Bột nếp nhà quê sẵn có rồi, chỉ mua về lạng thịt ba chỉ nữa thôi. Với sự khéo léo của bàn tay nội trợ là có những tấm bánh rau tầm khúc. Rau rửa sạch, đun chín vớt ra để nguội. Vắt nước, gỡ xơ. Nhẹ nhàng thôi bởi khi luộc chín thì xơ dễ gỡ. Rau gỡ xong thì giã mịn. Nhớ giã cối chày chứ không xay bằng máy. Bột nếp nhào với rau đã giã, nước chế từ từ để bột mịn dẻo, không khô mà cũng không bị nhão. Nắm từng nắm nhỏ, tra nhân bằng thịt ba chỉ băm nhỏ đã phi thơm. Cho ít nhân thôi để mùi thịt không át đi hương thơm tầm khúc. Cứ một lượt gạo nếp đã ngâm lại được xếp một lượt bánh tầm khúc đã nắm, nhẹ tay xếp vào bộ đồ chõ để đồ xôi. Việc xôi bánh đơn giản như ta thường xôi nếp. Khi nào xôi chín là bánh chín. Bánh chín đến đâu là có hương thơm đặc trưng của hương tầm khúc đến đấy, không giống bất kỳ loại bánh nào, khi thưởng thức thì sự quyến rũ cũng không kém bất kỳ loại bánh đặc sản nào. Một thứ bánh quê đậm đà hương nội gió đồng, luôn gợi nhớ mùa đông... Ðường bê tông dẫn dụ ta đi, ta lại trở về làng như bừng tỉnh bởi những tiếng hò reo. Sân thể thao đấy! Nông thôn mới thôn có nhà văn hóa. Sân thể thao các cụ tập dưỡng sinh. Các cụ tập xong là cháu con ào ra chơi bóng. Ðã đá bóng trên sân là có chia bên. Chả phân biệt cổ vũ bên nào, cứ pha bóng đẹp là mọi người vỗ tay tán thưởng. Thật vui!

Nào phải đâu xa, quê mình đấy. Người đi xa lâu về ắt phải ngỡ ngàng. Vẫn miền đất ấy cùng những người sinh ra từ đất ấy nhưng thời vận đổi thay, cuộc sống đã khác xưa. Yêu quê hương nào phải cao siêu, xa lạ, sống nhân văn chăm chỉ, cần cù, mỗi người như một viên gạch góp sức mình vào việc dựng xây, nâng tầm và nhớ giữ lấy hồn quê. Ngoảnh nhìn lại, tiếng lòng thầm thổn thức, thế là một năm nữa sắp đi qua...

Phạm Văn Lục

(Vũ Lăng, Tiền Hải)

 

  • Từ khóa