Thứ 2, 27/05/2024, 15:31[GMT+7]

Kinh nghiệm mở rộng trà lúa mùa cực sớm ở Quỳnh Phụ

Thứ 5, 26/08/2010 | 16:01:44
1,606 lượt xem
Vụ lúa mùa năm trước, Quỳnh Phụ gieo cấy được 1.000 ha trà cực sớm. Sang đến đến vụ mùa năm nay, diện tích trà cực sớm tăng lên 1.200 ha chiếm 22% diện tích trà sớm. Đây là trà lúa phải bảo đảm gieo cấy để lúa trỗ bông vào khoảng cuối tháng 7 và cho thu hoạch vào cuối tháng 8.

Nông dân Quỳnh Minh(Quỳnh Phụ) chăm bón lúa mùa sớm

Hiện tại 1.200 ha trà lúa mùa cực sớm của huyện Quỳnh Phụ đang phát triển rất xanh tốt, đa số diện tích đã ở vào giai đoạn đứng cái chuẩn bị phân hoá đòng.

Mục đích của việc gieo cấy trà lúa mùa cực sớm là để tạo quỹ đất cho việc gieo trồng một số cây màu ưa ấm, cung cấp sản phẩm trái vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để hình thành được trà lúa mùa cực sớm, yêu cầu đầu tiên là phải làm tốt khâu quy vùng. Ngay từ vụ lúa xuân, các xã thôn đã họp bàn lựa chọn những cánh đồng cụ thể để quy hoạch thành vùng luân canh trà lúa mùa sớm và cây vụ đông ưa ấm.

Tiếp đó phải lựa chọn những giống lúa có thời gian sinh trưởng phù hợp để bố trí cấy tại vùng đã quy hoạch. Nhìn chung, vùng này vẫn cho phép cấy đa dạng các giống lúa ngắn ngày, không yêu cầu phải cấy một vài giống; nhưng nhất thiết không được cấy nhóm giống dài ngày.

Các giống ngắn ngày được chọn cấy chủ yếu là Q5, TBR1, N87, N97... Khi đã chọn được ruộng và giống lúa thì yêu cầu tiếp theo là phải chọn được chỗ gieo mạ. Vì thời điểm gieo mạ thường là từ 20/5- 30/ 5, trùng vào lúc lúa xuân vừa trỗ bông nên chưa giải phóng được đất. Để có chỗ gieo mạ, các hộ dân ở Quỳnh Phụ thường chọn vùng đất sau thu hoạch cây màu xuân hoặc dành ra một phần diện tích nhỏ ngay tại ruộng lúa xuân để trồng màu hay trồng rau muống, sau đó sử dụng phần diện tích này để gieo mạ.

Nếu không chọn hai giải pháp trên, các hộ dân có thể áp dụng phương thức gieo mạ mùa trên nền đất cứng ngay tại sân hoặc vườn nhà. Do thời điểm gieo mạ trùng với lúc lúa xuân đang trỗ bông nên trà mạ thường xuất hiện sâu đục thân từ lúa lây sang phá hoại. Vì vậy, thông thường các xã phải tiến hành hai đợt phun trừ sâu đục thân hại mạ vào các thời điểm mạ được 2- 3 lá và trước lúc cấy khoảng 1 tuần.

Khi trà lúa xuân vừa đủ độ chín phải tiến hành thu hoạch ngay, lúc gặt phải lưu ý cắt sát gốc rạ, không cắt lưng chừng cây lúa (nếu không rạ sẽ không kịp ngấu). Thu hoạch tới đâu phải giải phóng rạ và lật đất ngay tới đó, đồng thời chú ý rắc thêm khoảng 20kg vôi bột cho mỗi sào để khử trùng và giúp gốc rạ nhanh phân huỷ. Thời điểm cấy trà lúa mùa cực sớm tốt nhất là vào khoảng từ 15- 20/ 6 dương lịch.

Sau khi cấy cần chú ý bón tăng lượng đạm khoảng từ 10- 15% so với các trà khác. Về khâu phòng trừ sâu bệnh, đối tượng sâu hại chủ yếu là sâu đục thân hai chấm, thường phát sinh gây hại trong tháng 7, nên cần tổ chức phun trừ hai đợt bằng các loại thuốc đặc trị có hiệu lực diệt trừ cao.

Nếu gieo cấy đúng lịch và chăm sóc đúng kỹ thuật như kinh nghiệm thực tế ở Quỳnh Phụ, năng suất trà lúa cực sớm hoàn toàn bằng các trà lúa mùa sớm hay đại trà. Điển hình như vụ mùa năm 2009, giống lúa Q5 cấy ở trà cực sớm cho năng suất trung bình khoảng 2, 7 t ạ/ sào, bằng với trà đại trà. Nhưng cái lợi lớn nhất của việc gieo cấy trà lúa mùa cực sớm là tạo quỹ đất cho việc trồng cây vụ đông ưa ấm, mà chủ yếu là ớt, tiếp đến là bí xanh, cà chua, hành tỏi và trồng cây giống...

Do khung thời vụ xuống giống vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9 nên sản phẩm tạo ra thường là trái vụ, trên thị trường hầu như chưa có vì vậy giá bán thường khá cao và làm ra tới đâu tiêu thụ hết tới đó. Điển hình như cây ớt, nếu trồng trên vùng đất trà lúa màu cực sớm thường khi thu hoạch sẽ có giá bán từ 25.000- 30.000 đ/ 1kg, năm cao có thể lên tới 40.000đ/1kg; trong khi lúc chính vụ giá ớt tụt xuống chỉ còn trên dưới 10.000đ/ 1kg. Hay như với cây cà chua, nếu thu hoạch trái vụ sẽ có giá bán từ 5.000- 6.000đ/ 1kg ngay tại ruộng...

Chính do hiệu quả kinh tế vượt trội nhờ tạo được sản phẩm cây màu trái vụ nên rất nhiều xã ở Quỳnh Phụ đã chọn mở rộng trà lúa mùa cực sớm như: Quỳnh Hải, Quỳnh Hội, Quỳnh Minh, Quỳnh Thọ, An ấp, An Cầu, An Quý, An Ninh... Trong đó một số xã có diện tích trà lúa mùa cực sớm khá lớn là Quỳnh Hải (khoảng 200ha), Quỳnh Minh và An Cầu (khoảng 150ha), An ấp (khoảng 100ha)...

Vũ Mạnh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày