Thứ 6, 09/08/2024, 03:14[GMT+7]

Vượt lên tật nguyền

Thứ 3, 03/07/2012 | 17:34:07
945 lượt xem
Đó là thanh niên Lại Văn Điệp ở thôn Đông Hòa, xã Vũ Ninh (Kiến Xương). Mặc dù tuổi đời còn rất trẻ, chỉ mới 34 tuổi, bản thân lại bị tàn tật, song với ý chí và nghị lực vươn lên, anh Điệp đã nỗ lực phấn đấu tìm cho mình một hướng đi riêng, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Hoàn thiện sản phẩm đồ thờ ở Công ty TNHH gỗ mỹ nghệ người tàn tật Thế Điệp (thôn Đông Hòa, Vũ Ninh, Kiến Xương).

Từ một người tàn tật

Về Vũ Ninh nhắc đến Lại Văn Điệp ai cũng biết, nhưng ít ai trong số họ biết rằng để có được thành công như ngày hôm nay, anh Điệp đã phải trải qua biết bao khó khăn, gian khổ. Nhớ lại quãng thời gian đó, anh Điệp chia sẻ: “sinh ra vốn dĩ khỏe mạnh bình thường, nhưng đến khi 9 tháng tuổi sau một trận sốt, tôi đã bị liệt toàn thân. Gia đình đã tích cực chữa chạy khắp nơi từ Bệnh viện Đa khoa huyện Kiến Xương đến Bệnh viện Việt – Bun (nay là Bệnh viện Đa khoa tỉnh) nhưng các bác sỹ đều không chữa được và trả về”. Mặc dù trong tình trạng bị liệt toàn thân, song đôi mắt anh Điệp lại rất sáng. Thương con bố mẹ anh đã quyết tâm dù khó khăn, gian khổ đến đâu cũng gắng sức chăm nuôi. Năm anh Điệp lên 3 tuổi, may mắn thay, một người bạn cùng đơn vị cũ của bố anh đã biếu mấy loại thuốc quý nên một thời gian sau, anh Điệp bắt đầu cử động được, tay chân đã bắt đầu nhúc nhắc, dần dần anh đã ngồi dậy được. Trải qua thời kỳ đau buồn này, gia đình anh lại chuyển sang trạng thái lo âu khác.

Mặc dù đã ngồi dậy được nhưng anh Điệp lại có dấu hiệu teo cơ, riêng có tay phải là vẫn bình thường. Năm lên 8 tuổi, bố anh đã làm cho một đôi nạng bằng gỗ ổi để tập đi và đến năm 11 tuổi anh bắt đầu đi học. Anh Điệp kể: “Những ngày đầu đi học thật gian khổ, để đến được lớp tôi đều phải nhờ em trai chở đi. Quãng đường từ nhà đến trường tuy gần nhưng lại toàn đường đất, những ngày nắng còn đỡ vất vả chứ ngày mưa đường trơn trượt, hai anh em ngã liên tục”. Vất vả là vậy, nhưng trong suốt bằng ấy năm học, ngày nắng cũng như ngày mưa, không ngày nào Điệp nghỉ học. Anh luôn được thầy cô đánh giá là sáng dạ, năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi, trong lớp ai cũng quý mến. Đến năm lớp 10, trường cách xa nhà, lại không có người chở đi nên anh đã thuyết phục bố mẹ cho nghỉ học để đi học nghề.

Ý chí và nghị lực vươn lên

Với quyết tâm vượt lên số phận, sau nhiều ngày suy nghĩ và cuối cùng anh đã quyết định tự nuôi sống bản thân bằng việc đi theo nghề mộc. Anh Điệp cho biết: “việc chọn nghề gì đối với anh quả là cực khó, bản thân anh bị tàn tật nên không thể chọn những nghề phải mang vác nặng mà phải chọn nghề có liên quan đến kỹ thuật”. Chỉ sau một năm, anh đã ra nghề và được nhận tháng lương đầu tiên là 300 nghìn đồng. Với anh đó là cả một ước mơ, cầm tiền trong tay mà không dám tiêu, anh chỉ giữ để thỉnh thoảng lôi ra xem. Học được nghề, anh Điệp lại phấn đấu học cao hơn nữa về tràng kỷ và đồ thờ ở Xuân Trường (Nam Định) và Lê Chân (Hải Phòng) với những nét chạm khắc tinh vi và công phu. Các sản phẩm do anh làm ra đều được chủ doanh nghiệp đánh giá cao. Không cam chịu cảnh đi làm thuê, năm 2002, anh quyết định mở cơ sở ngay tại quê hương mình với mục đích tiếp nhận và đào tạo nghề cho người khuyết tật. Bước đầu tạo dựng cơ sở với nhiều khó khăn chồng chất, tất cả với anh đều bắt đầu từ con số không tròn trĩnh: không vốn, không máy móc, không thợ, không khách hàng. Sau đó, anh vay bạn bè được 5 triệu đồng mua 1 máy vanh lọc lỗ, máy khoan, máy lấy lề (máy soi). Thời gian đầu, do chưa có khách hàng nên anh phải làm gia công cho các cơ sở khác với các sản phẩm thô sơ, chủ yếu là giường, tủ, ghế. Năm 2004, anh chuyển về thôn Đông Hòa thuê đất và đến năm 2006, anh mua đất mở cơ sở, thuê 8 công nhân, trong đó có 4 người khuyết tật.

Sau bao tháng ngày gian truân, ngày 2/11/2011, anh Điệp đã thành lập Công ty TNHH gỗ mỹ nghệ người tàn tật Thế Điệp với các sản phẩm chủ yếu giường, tủ, bàn, ghế, đồ thờ cao cấp, hoành phi, câu đối, ngai, khám, cửa võng. Đến nay, Công ty đã tạo việc làm cho 12 lao động chính thức, trong đó có 7 người khuyết tật với mức lương thấp nhất 2,8 triệu đồng/người/tháng và cao nhất 5 triệu đồng/người/tháng. Các sản phẩm của Công ty không chỉ xuất bán trong tỉnh mà còn ở Namon> Định, Hà Nội, Hải Phòng. Không chỉ sản xuất và kinh doanh, anh Điệp còn tham gia hoạt động đoàn, giữ chức Phó Bí thư chi đoàn thôn Đông Hòa. Hàng năm, gia đình anh luôn đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa tiêu biểu”, nhân Ngày người khuyết tật Việt Nam (21/4) anh đã tham gia giao lưu chương trình trái tim đồng cảm phát sóng trên VTV2 Đài truyền hình Việt Nam.

Nói về ý chí và nghị lực của anh Điệp thật khó có thể tả hết. Từ một người tàn phế có thể nói là “bỏ đi” thế mà nay anh đã trở thành giám đốc công ty đang ngày càng “ăn lên làm ra”. Bên cạnh anh luôn có người vợ hiền và 2 con ngoan cổ vũ, động viên anh vượt qua mọi gian khó. Điều đặc biệt hơn cả, bằng việc đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập, anh đã mang lại niềm tin cho những người khuyết tật về một cuộc sống tươi đẹp ở phía trước, rằng họ tuy tàn nhưng không phế.       

                                                               Bài, ảnh: Minh Hương

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày