Thứ 4, 31/07/2024, 23:20[GMT+7]

Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Thái Bình lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022 - 2027 Phật giáo Thái Bình đẩy mạnh hoằng pháp, đưa đạo vào đời

Thứ 4, 18/05/2022 | 09:04:43
4,969 lượt xem
Kế thừa truyền thống “Hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam và phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, nhiệm kỳ qua, Giáo hội Phật giáo (GHPG) tỉnh Thái Bình đã có những bước phát triển rõ rệt về tổ chức cũng như hoạt động góp phần đưa đạo Phật đi vào cuộc đời, cùng với xã hội, đem lại sự an lạc cho con người.

Tặng quà, động viên bệnh nhân phong tại Bệnh viện Da liễu Thái Bình.

Theo Thượng tọa Thích Thanh Hòa, Trưởng ban Trị sự GHPG tỉnh: Nhiệm kỳ qua, công tác Phật sự trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ, toàn diện và đạt được kết quả tích cực trên tất cả các mặt. Toàn tỉnh hiện có 877 cơ sở tự viện với trên 600 tăng ni. Nhằm ổn định tổ chức sinh hoạt tín ngưỡng cho các tín đồ Phật tử, Ban Trị sự GHPG tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ và ra quyết định bổ nhiệm cho 101 vị về trụ trì và kiêm trụ trì các chùa trong tỉnh; quyết định tiếp nhận 34 vị tăng ni từ tỉnh ngoài về tỉnh sinh hoạt Phật sự theo đúng quy định của Giáo hội và pháp luật hiện hành. Ngoài ra, Ban Trị sự GHPG tỉnh đã quan tâm giúp đỡ cho nhiều tăng ni đăng ký dự tuyển thi vào học viện, các trường cao đẳng, trung cấp Phật học để nâng cao trình độ kiến thức Phật học và kiến thức văn hóa xã hội. Hiện nay, số tăng ni của tỉnh có học vị Phật giáo là 120 vị; tăng ni có học vị ngoài Phật giáo có 3 thạc sĩ và 10 cử nhân. Trong các khóa hạ an cư, Ban Trị sự GHPG tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trư­ơng, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và một số chuyên đề khác giúp tăng ni trong tỉnh nâng cao kiến thức, từ đó triển khai thực hiện tốt trong quá trình tu hành.

Cùng với xây dựng tổ chức hội vững mạnh, công tác hoằng pháp được các tăng ni trong tỉnh đặt lên hàng đầu. Với tinh thần “Hoằng pháp lợi sinh”, hàng tháng, hàng tuần các chùa đều tổ chức giảng pháp cho Phật tử dưới nhiều hình thức và chương trình khác nhau như: thụ bát quan trai, truyền thụ tam quy ngũ giới, tổ chức các đạo tràng chuyên tu, các lớp học giáo lý. Bên cạnh giảng pháp, các tăng ni còn hướng dẫn các tín đồ Phật tử thực hiện và chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, không những thực hiện tốt những quy định giới luật mà còn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của một công dân. Ngoài ra, Ban Hoằng pháp tỉnh đã động viên các chùa trong tỉnh thành lập các đạo tràng, các câu lạc bộ, lớp học giáo lý cho thanh thiếu niên Phật tử. Thông qua đó, giáo dục thế hệ trẻ hiểu được lễ nghi, phải trái, hiếu thuận, nhân quả, tội phúc, sự biết ơn, đền ơn, báo ân, báo hiếu cha mẹ, thầy cô, có nếp sống lành mạnh, văn minh và có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. 

Theo Thượng tọa Thích Thanh Hòa: Hai năm qua, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các chùa không tổ chức các khóa tu, các hoạt động tập trung đông người để bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, hoạt động hoằng pháp không vì vậy bị gián đoạn, các tăng ni đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức các khóa lễ, các buổi thuyết giảng Phật pháp, lớp học giáo lý trực tuyến. Với tinh thần tùy duyên giáo hóa, đem Phật pháp vào cuộc sống thường nhật, các chùa đã tổ chức lễ hằng thuận và quy y cho các đôi tân lang, tân nương tại chùa nhằm định hướng cho hai người biết thiết lập một nền tảng đạo đức tâm linh vững chắc, cùng nhau vượt qua mọi thử thách của cuộc đời, bảo đảm cuộc sống hạnh phúc lâu dài bền vững cho gia đình và cho cả con cháu tương lai.

Một trong những thành tựu nổi bật trong công tác Phật sự của tỉnh trong nhiệm kỳ qua đó là công tác từ thiện xã hội. Đại đức Thích Thanh Mẫn, Trưởng ban Từ thiện xã hội GHPG tỉnh cho biết: Với tinh thần “Từ bi cứu khổ”, “Vô ngã vị tha” của đạo Phật, các tăng ni, tín đồ Phật tử trong tỉnh luôn tích cực tham gia công tác từ thiện như: tham gia các quỹ khuyến học, quỹ “Vì người nghèo”, quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, người tàn tật; tặng xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó; xây nhà tình nghĩa; tổ chức mừng thọ các cụ cao niên; tặng quà các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; nuôi dưỡng trẻ mồ côi; ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt; phát sữa, nấu cháo, xôi, cơm từ thiện cho các bệnh viện... Đặc biệt, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, các chùa đã quyên góp và ủng hộ lương thực, thuốc men, khẩu trang y tế và nước rửa tay sát khuẩn phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; ủng hộ tịnh tài, tịnh vật cho các khu cách ly tập trung; ủng hộ quỹ vắc-xin phòng Covid-19; tình nguyện tham gia tuyến đầu chống dịch. 

Ngoài ra, hàng năm, Ban Trị sự GHPG tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phóng sinh, thả thủy hải sản để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường; phối hợp với các đơn vị tổ chức ngày hội “Hiến máu cứu người - hành Bồ tát đạo”. Tổng kinh phí làm từ thiện, an sinh xã hội trong 5 năm qua khoảng 50,6 tỷ đồng. Nêu cao tinh thần “Sống tốt đời, đẹp đạo”, trong mọi sinh hoạt của tổ chức xã hội đều có sự tham gia tích cực của giới tăng ni, tín đồ Phật tử trong tỉnh. Nhiều vị chức sắc Phật giáo được người dân tin tưởng bầu làm đại biểu HĐND các cấp; ủy viên ủy ban MTTQ các cấp, các tổ chức đoàn thể, nhiều người đã thể hiện được vai trò đặc biệt trong vận động tín đồ Phật tử tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền. Phong trào thi đua xây dựng “Chùa cảnh 4 gương mẫu” tiếp tục được các chùa hưởng ứng tích cực. Toàn tỉnh có 187 chùa đạt “Chùa cảnh 4 gương mẫu” 5 năm liền.

Phát huy kết quả đạt được, trong nhiệm kỳ tới, GHPG tỉnh tiếp tục vững vàng đường hướng “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Chùa Từ Xuyên, phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình hỗ trợ các nhu yếu phẩm cho thôn Thanh Mai, xã An Thanh, huyện Quỳnh Phụ trong thời gian thực hiện cách ly để khoanh vùng, dập dịch.

Đồng chí Nguyễn Văn Giang, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh
Bám sát phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, những năm qua, GHPG tỉnh đã đồng hành và tham gia rất tích cực vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị chung của tỉnh. Củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, động viên tín đồ Phật tử, nhân dân giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. Khơi dậy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đẩy mạnh thực hiện các hoạt động nhân đạo từ thiện, tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ môi trường, xây dựng gia đình văn hóa... góp phần hiệu quả vào sự phát triển của tỉnh. Thời gian tới, GHPG tỉnh cần tiếp tục tuyên truyền, vận động các chức sắc, tín đồ Phật tử nắm bắt và chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; tham gia tích cực hơn nữa vào các nhiệm vụ của tỉnh. Tích cực tham gia thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước như: Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng “Chùa cảnh 4 gương mẫu”; xóa đói giảm nghèo; “Đền ơn đáp nghĩa”... Phát huy trí tuệ tập thể, giữ vững kỷ cương giáo luật, nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc cùng cấp ủy, chính quyền, MTTQ chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các tín đồ Phật tử.

Đồng chí Phạm Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ
Huyện Quỳnh Phụ luôn chú trọng làm tốt công tác quản lý nhà nước về tôn giáo nói chung, trong đó có Phật giáo nhằm bảo đảm các hoạt động tại các cơ sở thờ tự của Phật giáo ổn định theo đúng quy định của pháp luật. Các hoạt động Phật sự trên địa bàn huyện cơ bản đều bảo đảm theo quy định. Ban Trị sự GHPG huyện đã hướng dẫn chỉ đạo trụ trì các cơ sở thờ tự thực hiện tốt các quy định của pháp luật, chấn chỉnh, trang nghiêm cơ sở thờ tự, thực hiện các hoạt động tâm linh theo đúng tinh thần của Phật giáo. Công tác tăng sự được kiện toàn; các tăng ni được nâng cao trình độ về giáo lý Phật giáo; các hoạt động nghi lễ phong phú, ý nghĩa tạo nét đẹp về Phật giáo trong nhận thức của tín đồ Phật tử và nhân dân trong huyện. Hoạt động trùng tu xây dựng các công trình trong khuôn viên các nhà chùa được duy trì nhằm gìn giữ các di tích lịch sử và phát huy bản sắc của Phật giáo. Công tác từ thiện nhân đạo được các chùa tích cực triển khai thực hiện với nhiều hoạt động thiết thực với tổng kinh phí hàng tỷ đồng. Bên cạnh đó, các tăng ni, tín đồ Phật tử trong huyện còn tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Sư cô Thích Diệu Hoài, trụ trì chùa Son, xã Minh Quang (Kiến Xương)
Hưởng ứng phong trào thi đua xây dựng “Chùa cảnh 4 gương mẫu”, nhà chùa cùng tín đồ Phật tử đã tập trung tu sửa, tôn tạo cảnh chùa, xây dựng thiền tự ngày càng khang trang, sạch đẹp đủ điều kiện sinh hoạt và đáp ứng nguyện vọng của các chức sắc và tín đồ. Hiện nhà chùa đang đầu tư xây dựng thêm hồ Quan Âm với kinh phí khoảng 2 tỷ đồng từ nguồn tiền tiết kiệm của nhà chùa và công đức của tín đồ Phật tử, nhân dân. Ngoài ra, nhà chùa luôn tích cực truyền giảng những giá trị đạo đức và văn hóa tốt đẹp của nhà Phật vào đời sống cộng đồng, hướng các tín đồ Phật tử và nhân dân đi theo con đường chính đạo, sống lương thiện, bài trừ mê tín dị đoan, không đốt vàng mã, luôn thực hành tiết kiệm. Hàng năm, nhà chùa cùng các tín đồ Phật tử tích cực tham gia đóng góp cho các quỹ từ thiện nhân đạo, thường xuyên thăm hỏi, tặng quà trẻ em có hoàn cảnh khó khăn...

Đại đức Thích Nguyên Đức, trụ trì chùa Bảo Long, xã An Thái (Quỳnh Phụ)
Năm 2021, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại các tỉnh miền Nam cướp đi sinh mạng của nhiều đồng bào, tôi cũng như nhiều tăng ni trong tỉnh đã tình nguyện đăng ký vào miền Nam chống dịch. Tôi được phân công đi cùng đoàn bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vào hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch tại Bệnh viện dã chiến số 13. Công việc tình nguyện viên trong các bệnh viện dã chiến trong lúc dịch bệnh căng thẳng rất vất vả, hàng ngày phải làm việc liên tục trong bộ đồ bảo hộ kín mít trong điều kiện thời tiết nắng nóng và đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao. Song, mỗi khi thấy tình trạng của các bệnh nhân tốt lên và nhiều người được ra viện thì mọi vất vả dường như đều tan biến. Bệnh nhân Covid-19 không có người thân bên cạnh, khi được hỗ trợ, hỏi thăm cảm thấy đón nhận được tình yêu thương nên cũng mau bình phục. Tuy nhiên, cũng có nhiều bệnh nhân không qua khỏi, trong điều kiện có thể, tôi cũng như các thầy sẽ cử khóa lễ cầu siêu để người mất được siêu thăng, giúp thân quyến ở xa cũng an ủi phần nào.

Ông Lưu Mộng Hanh, tín đồ Phật tử chùa Từ Xuyên, phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình)
Nhà chùa thường xuyên tổ chức các hoạt động thiết thực, ý nghĩa như: tổ chức các khóa tu, lớp học giáo lý, lễ cầu siêu, chúc thọ các cụ cao niên, phát tâm ủng hộ đồng bào gặp thiên tai... thu hút sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các tín đồ Phật tử, tạo dựng tình cảm tốt đẹp trong lòng quần chúng và các cấp chính quyền. Là một tín đồ Phật tử, tôi thường xuyên tham gia các hoạt động này. Mỗi lần lên chùa giảng pháp, sư thầy thường xuyên nhắc nhở các tín đồ Phật tử gương mẫu trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, thực hành tiết kiệm, tích cực tham gia công tác xã hội, thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương, đưa đạo Phật thực sự đi vào cuộc đời.

Đào Quyên