Thứ 6, 03/05/2024, 15:58[GMT+7]

Đổi mới giáo dục theo Nghị quyết số 29

Thứ 2, 05/09/2022 | 07:04:39
4,654 lượt xem
Sau 9 năm thực hiện, Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (Nghị quyết số 29) đã tạo sự lan tỏa cùng những chuyển biến mạnh mẽ trong đổi mới giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh.

Các trường tự tin bước vào năm học 2022 - 2023.

Kim chỉ nam trong đổi mới giáo dục và đào tạo

Nghị quyết số 29 chính là kim chỉ nam để thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong bối cảnh mới. Đồng chí Nguyễn Viết Hiển, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Nghị quyết số 29 rất quan trọng, quan điểm chỉ đạo mang tầm chiến lược với mục tiêu “tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng bảo vệ tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân...”. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Thực tế tại Thái Bình, 9 năm thực hiện Nghị quyết số 29 đã cho thấy những chuyển biến tích cực trong phát triển giáo dục và đào tạo. Trong bức tranh đổi mới giáo dục, điểm nổi bật nhất là quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Từ đó, hệ thống giáo dục từng bước được đổi mới theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục.

Trong 2 năm học vừa qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, kết quả bước đầu trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đã đem lại những tín hiệu đáng mừng. Chương trình được xây dựng trên cơ sở quan điểm của Đảng, Nhà nước về đổi mới giáo dục và đào tạo, kế thừa những ưu điểm của các chương trình GDPT đã có, đồng thời tiếp thu những thành tựu mới để phát triển giáo dục và đào tạo theo định hướng xuyên suốt là phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của học sinh, tạo môi trường giúp học sinh phát triển hài hòa, trở thành người học tích cực, tự tin, có phẩm chất đẹp và năng lực tốt. Với quyết tâm chính trị cao, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thành lập Hội đồng bộ môn, tổ giáo viên cốt cán cấp tỉnh để kịp thời triển khai và hỗ trợ thực hiện có hiệu quả chương trình GDPT 2018. 

Đồng chí Vũ Minh Quyết, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vũ Thư chia sẻ: Trong từng năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất của chương trình GDPT mới với kế hoạch dạy học theo chương trình hiện hành, có tích hợp lồng ghép các nội dung dạy học với hoạt động giáo dục trải nghiệm để tăng cường giáo dục kỹ năng sống, bảo đảm mục tiêu về hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh. Sau 2 năm triển khai thực hiện chương trình, đến thời điểm này, ngành đã sẵn sàng các điều kiện để tiếp tục thực hiện chương trình GDPT mới trong năm học 2022 - 2023 ở lớp 3 và lớp 7.

Những hạt nhân tâm huyết, sáng tạo

Sau 9 năm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều nhà giáo đi đầu trong đổi mới quản lý, quản trị trường học và đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh. 

Mô hình “Trường học hạnh phúc” tại Trường Tiểu học và THCS An Vũ (Quỳnh Phụ) do cô giáo Mai Thị Bích Nguyện, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện (nguyên Hiệu trưởng nhà trường) thực hiện là một ví dụ điển hình về đổi mới trong quản lý, quản trị trường học. 

Cô giáo Mai Thị Bích Nguyện chia sẻ: Muốn có một môi trường hạnh phúc thì phải kiến tạo một không gian học đường an toàn, thân thiện. Nhằm hiện thực hóa ý tưởng này, nhà trường đã tổ chức các sân chơi, các tình huống trong tiết chào cờ, tiết sinh hoạt dưới hình thức sân khấu hóa hoặc các câu hỏi nhằm giúp học sinh hiểu được ý nghĩa của “Trường học hạnh phúc”. Đó là tạo ra sự an toàn cho người học, tức là người học được sống, học tập trong môi trường lành mạnh, đậm tính nhân văn, dân chủ. Cũng từ đây, học sinh tự đề xuất với nhà trường xây dựng khẩu hiệu “Trường như nhà, thầy cô như mẹ cha, bạn bè như anh em ruột thịt”. Thực tế sau một thời gian ngắn triển khai mô hình, học sinh đã mạnh dạn chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, nêu đề xuất, kiến nghị của mình; giáo viên gần gũi, cởi mở hơn với học sinh, coi học sinh như chính những người con của mình. 

Cô giáo Mai Thị Bích Nguyện được biết đến là một nhà giáo tâm huyết, đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, áp dụng những phương pháp dạy học mới để đưa một trường từ “vùng trũng” lên xếp tốp đầu về chất lượng giáo dục của huyện Quỳnh Phụ trong những năm học vừa qua.

Những hạt nhân như cô giáo Mai Thị Bích Nguyện đã góp phần lan tỏa tinh thần đổi mới giáo dục và đào tạo trong toàn ngành nhiều năm qua. 

Đồng chí Trần Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Một trong những phong trào đã cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết số 29 tại Thái Bình đó là phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”. Qua các năm học, toàn ngành đã xuất hiện hàng trăm tập thể, cá nhân đã khắc phục khó khăn, tự mình đổi mới, sáng tạo theo xu hướng hội nhập hiện nay. Đó là việc đổi mới hình thức dạy Lịch sử gắn với di sản, văn hóa của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hưng Hà; mô hình giáo dục STEM của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thái Thụy hay đổi mới hoạt động ngoài giờ lên lớp của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đông Hưng, huyện Quỳnh Phụ... Những kết quả tích cực từ triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 đã góp phần thay đổi bức tranh về giáo dục. Quy mô giáo dục từng bước được đa dạng loại hình với hệ thống trường ngoài công lập hình thành và phát triển ở ngành học mầm non; công tác xã hội hóa giáo dục có nhiều chuyển biến, lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được triển khai thuận lợi. Trường, lớp khang trang, hiện đại, chất lượng giáo dục các cấp học từng bước được nâng lên.

Chia sẻ về quyết tâm cũng như thách thức ngành giáo dục cần vượt qua, đồng chí Nguyễn Viết Hiển, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Thời gian tới, chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa của các cấp, các ngành; sự đồng hành, ủng hộ của các bậc phụ huynh và toàn xã hội để quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm từng bước hiện thực hóa các mục tiêu trên hành trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Lan Phương