Chủ nhật, 28/07/2024, 19:25[GMT+7]

Đưa lễ hội vào quỹ đạo

Thứ 2, 21/01/2013 | 16:28:42
1,034 lượt xem
Để đưa hoạt động tổ chức lễ hội vào quỹ đạo, Bộ VH, TT và DL đề nghị các tỉnh, thành phố từng bước tiến hành tổng kiểm kê, điều chỉnh phân cấp quản lý lễ hội theo nguyên tắc nhà nước quản lý, giám sát, nhân dân tổ chức thực hiện; giảm quy mô, tần suất tổ chức lễ hội…

Theo báo cáo của Bộ VH, TT và DL, công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2012 có sự chuyển biến theo hướng tích cực. Hoạt động lễ hội đã diễn ra sôi nổi trong cả nước, lượng khách du lịch tăng mạnh tại các lễ hội lớn. Các loại hình hoạt động dịch vụ được cải tiến và nâng cao chất lượng phục vụ. Một số bức xúc trong mùa lễ hội trước đã cơ bản được giải quyết như: cảnh chen lấn, xô đẩy, tranh cướp ấn ở lễ hội đền Trần (Nam Định); cờ bạc trá hình, ăn mày ở lễ hội chùa Hương (Hà Nội)... Các lễ hội lớn như: Yên Tử (Quảng Ninh), đền Hùng (Phú Thọ), Bà Chúa Xứ (An Giang)... diễn ra trang nghiêm, giàu bản sắc. Nhiều lễ hội của các dân tộc thiểu số được khôi phục, mang tới không khí vui tươi, phấn khởi cho đồng bào dịp đầu xuân như lễ hội Roóng Poọc (xuống đồng) của người Giáy, hội hát qua làng của người Dao đỏ...

Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc

Tuy nhiên, công tác tổ chức và quản lý lễ hội trong năm qua vẫn tồn tại không ít bất cập về mô hình tổ chức lễ hội; thiếu quy hoạch lễ hội, thiếu chế tài xử phạt... Năm 2012, Thanh tra Bộ VH, TT và DL đã tổ chức kiểm tra 60 điểm di tích tại 21 địa phương. Theo đó, một số di tích đặt quá nhiều hòm công đức, nhiều nơi không công khai trong việc thu chi; nạn đốt vàng mã, khấn thuê, xem bói vẫn lộng hành như ở đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), đền Mẫu (Hưng Yên), đền Bắc Lệ (Lạng Sơn), đền Cuông, đền Cờn (Nghệ An), Chùa Non (Quảng Bình)... Phó chánh Thanh tra Bộ VH, TT và DL Phạm Xuân Phúc phàn nàn, những hạn chế, sai phạm trong quản lý, tổ chức lễ hội ai cũng có thể thấy nhưng khi xử lý lại thiếu chế tài. Nghị định 75 của Chính phủ quy định, đốt đồ mã nơi công cộng có thể bị phạt đến hàng triệu đồng, song lại không có nội dung quy định phạt người sản xuất, buôn bán. Thanh tra đi kiểm tra tại nhiều di tích thấy người ta bán đồ mã đầy xung quanh nhưng đành bó tay. Ông Phạm Xuân Phúc đề xuất, cần có những quy định, chế tài xử lý mạnh hơn, cụ thể hơn với các trường hợp vi phạm. Nếu không thì tốt nhất nên bỏ một số quy định về việc đốt vàng mã tại nơi công cộng, bởi sẽ khó có thể bắt tận tay khi lần nào đoàn thanh tra đến họ cũng đều được báo trước. 

Ông Phạm Xuân Phúc cũng phản ánh thực trạng phần lớn lễ hội diễn ra trong không gian các di tích lịch sử, văn hóa, nhưng nhiều di tích không có công trình vệ sinh công cộng, hoặc nếu có thì tạm bợ, không đủ công năng phục vụ hàng vạn, hàng triệu người về dự hội. Điều này dẫn đến hiện tượng mất vệ sinh môi trường do một bộ phận người dân tham gia lễ hội thiếu ý thức. Ngoài ra, một số di tích còn lập bia đá khắc tên người công đức treo lên tường, thậm chí tạc bia trên lưng rùa đặt trong khuôn viên di tích. Có nơi còn đặt bát hương trước bia khiến khách thập phương đến thấy bát hương thì xì xụp khấn vái, “người sống thắp hương khấn vái cho người sống”, gây mất mỹ quan, phản cảm. Về điều này, Phó giám đốc Sở VH, TT và DL Phú Thọ Phạm Bá Khiêm nhận xét, đó là do nhận thức của những người trực tiếp quản lý di tích ở địa phương. Những bia đá được tạc trên lưng rùa, như ở trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám, là dành để tôn vinh các bậc danh nhân, học rộng tài cao có nhiều đóng góp với dân tộc.

Hiện cả nước có gần 8.000 lễ hội, trong đó có tới hơn 7.000 lễ hội dân gian, chiếm tới gần 90%. Việc quản lý, tổ chức các lễ hội ở một số địa phương trong những năm gần đây có nhiều diễn biến phức tạp, được dư luận hết sức quan tâm. Để đưa hoạt động tổ chức lễ hội vào quỹ đạo, giải pháp cho mùa lễ hội năm 2013 được Bộ VH, TT và DL đưa ra là: các tỉnh, thành phố từng bước tiến hành tổng kiểm kê, điều chỉnh phân cấp quản lý lễ hội theo nguyên tắc nhà nước quản lý, giám sát, nhân dân tổ chức thực hiện; giảm quy mô, tần suất tổ chức; không sử dụng ngân sách nhà nước để tổ chức các lễ hội ngành nghề, lễ hội mang tính sự kiện; bố trí, sắp xếp hợp lý hòm công đức, lư hương, hạn chế đốt vàng mã, không đốt đồ mã...

Năm 2012, số tiền thu công đức tại các lễ hội lên tới gần 300 tỷ đồng, trong khi đó số tiền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động lễ hội chỉ vỏn vẹn 21 triệu đồng. Từ số liệu thống kê của Thanh tra Bộ VH, TT và DL có thể thấy công tác kiểm tra dẫu được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nhưng chưa thật sự hiệu quả vì thiếu những quy định, chế tài xử lý cụ thể. Vì vậy, ngoài việc tuyên truyền nâng cao ý thức của nhân dân khi tham gia lễ hội thì các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức, quản lý lễ hội cũng phải sớm được hoàn thiện mới mong hoạt động lễ hội đi vào quy củ và xây dựng được không gian lễ hội văn minh

Theo daibieunhandan

  • Từ khóa