Chủ nhật, 19/05/2024, 12:08[GMT+7]

Nhân lên tinh thần thi đua yêu nước

Thứ 2, 23/03/2020 | 09:44:55
1,077 lượt xem
Là tỉnh giàu truyền thống yêu nước và cách mạng nên khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình đã đoàn kết, ra sức thi đua giành nhiều thắng lợi vẻ vang, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc đổi mới, đưa Thái Bình vững bước đi lên trên con đường hội nhập và phát triển.

Sản xuất rau tại cánh đồng lớn xã An Châu (Đông Hưng) cho thu nhập gấp 3 - 4 lần cấy lúa.

Cách mạng Tháng Tám thành công, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua diệt giặc đói, giặc dốt. Với khẩu hiệu: “Tấc đất tấc vàng”, “Không một tấc đất bỏ hoang”, các phong trào thi đua tăng gia sản xuất, thâm canh tăng vụ, tăng năng suất đã đẩy lùi được nạn đói năm 1945. Phong trào bình dân học vụ phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ, rộng khắp các vùng quê. Nhờ đó, Thái Bình đã được công nhận là 1 trong 2 tỉnh thanh toán được nạn mù chữ sớm nhất cả nước, được Bác Hồ tặng thư khen, tặng Sổ vàng lưu niệm. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, các phong trào thi đua: “Tay cày, tay súng”, “Tay búa, tay súng”, “Tay bút, tay súng”, thanh niên “3 sẵn sàng”, phụ nữ “3 đảm đang”... được toàn dân tích cực hưởng ứng, có sức lan tỏa rộng khắp. Hiệu quả của các phong trào thi đua đã đưa Thái Bình trở thành tỉnh đầu tiên của miền Bắc đạt 5 tấn thóc/ha; được Bác Hồ tặng cờ luân lưu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, xứng đáng với tên gọi  “Pháo đài bên bờ biển Đông” vì đã bắn rơi 44 máy bay, bắn bị thương 4 tàu chiến Mỹ. Thực hiện khẩu hiệu “Thóc thừa cân, quân vượt mức”, tỉnh đã huy động cao nhất sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam đánh giặc, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, giành được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Về phát triển kinh tế, các phong trào: “Năng suất, chất lượng, hiệu quả”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”… có sức lan tỏa sâu rộng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, đạt hiệu quả cao. Những năm qua, kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng hai con số, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 10,3%. Tổng giá trị sản xuất tăng 14%. Đến cuối năm 2019, 100% số xã và tất cả các huyện, thành phố của Thái Bình được công nhận đạt tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM); 100% hộ dân nông thôn được cấp nước sạch. Các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Vì người nghèo”... đã trở thành hoạt động thường xuyên của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân. Các phong trào thi đua: “Hai tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”… đã đưa chất lượng giáo dục, đào tạo của tỉnh trong tốp đầu của cả nước. Các phong trào xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”, xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa và ngày làm việc 8 giờ chất lượng, hiệu quả gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được thực hiện nghiêm túc.

Nhìn lại hơn 2/3 thế kỷ qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình tự hào về những thành quả đã đạt được và trong thành tích chung ấy, có sự đóng góp quan trọng, tích cực của các phong trào thi đua yêu nước qua các thời kỳ. Đây cũng chính là động lực quan trọng để các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đồng sức, đồng lòng, chủ động, sáng tạo và dấy lên cao trào thi đua với một khí thế mới, quyết tâm cao để sớm đưa Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực và trong cả nước.


Ông Đường Khắc Thủy, Chủ tịch UBND xã Hồng An, huyện Hưng Hà
Sau khi đạt chuẩn xã NTM năm 2014, Hồng An đã phát động và được toàn thể cán bộ, nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết chung sức nâng cao các tiêu chí xây dựng NTM”. Thông qua phong trào, xã đã huy động được gần 50 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 7,4 tỷ đồng. Với nguồn lực đó, xã đã bê tông hóa 100% đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, cứng hóa kênh mương theo tiêu chí NTM nâng cao; tu sửa, nâng cấp 3 trường mầm non, tiểu học, THCS đạt chuẩn quốc gia... Không chỉ phát triển 4 vùng sản xuất tập trung với diện tích 232ha, Hồng An còn đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để tăng thu nhập cho người dân. Năm 2019, thu nhập bình quân đạt trên 47 triệu đồng/người (tăng 17 triệu đồng/người so với năm 2014). Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,4%. 100% hộ dân được sử dụng nước sạch. 10/10 thôn đạt danh hiệu “Thôn văn hóa”, 9/10 thôn đạt “Thôn văn hóa” 5 năm liền. Đến nay, Hồng An đã hoàn thành 11/11 tiêu chí, đang trình tỉnh công nhận xã NTM nâng cao.

Anh Đỗ Quang Bốn, Giám đốc Công ty TNHH Phương Nam, xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy
Hưởng ứng các phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, cách đây 19 năm tôi đã mạnh dạn đầu tư nuôi tôm thương phẩm và đã gặt hái được một số thành công. Song bản thân và hàng trăm hộ nuôi tôm ở địa phương phải nhập tôm giống ở nơi khác về với giá cao, chất lượng không ổn định, khó kiểm soát dịch bệnh nên từ năm 2001, tôi đã nghiên cứu và xây dựng trang trại nuôi tôm giống, nuôi tôm thành phẩm công nghệ cao đầu tiên của tỉnh. Với mô hình này số lượng tôm sản xuất ra gấp 2 - 3 lần nuôi tôm truyền thống, giảm dịch bệnh, chất lượng tôm cao hơn. Khởi nghiệp với 400 triệu đồng, đến nay doanh thu mỗi năm của Công ty đạt trên 11 tỷ đồng, tạo việc làm cho 10 - 30 lao động với mức lương từ 5 - 10 triệu đồng/người/tháng. Tôi đã được Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh tặng bằng khen.

Bà Phạm Thị Chắt, thôn Phạm, xã Phú Châu, huyện Đông Hưng
Chồng đi bộ đội, một mình nuôi 2 con nhỏ và chăm sóc mẹ chồng nhưng để chồng yên tâm diệt thù, tôi đã hăng hái lao động, sản xuất, chiến đấu để trở thành người phụ nữ “3 đảm đang”. Việc nhà tranh thủ làm ban đêm còn ban ngày tôi cùng xã viên thực hiện “đường cày đảm đang”, “cấy chăng dây thẳng hàng”, lấy bèo hoa dâu về ủ làm phân bón cho lúa, ngâm ủ giống đúng kỹ thuật cung cấp giống chất lượng cho bà con, chăn nuôi lợn cân cho hợp tác xã luôn vượt chỉ tiêu, tham gia đào giao thông hào dọc làng. Công việc nào cũng hoàn thành xuất sắc nên 3 lần tôi được vinh dự đại diện cho chị em phụ nữ toàn tỉnh dự hội nghị tổng kết phong trào chăn nuôi giỏi toàn miền Bắc, được Chủ tịch nước tặng bằng khen.


Thu Hiền 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày