Thứ 2, 12/08/2024, 16:29[GMT+7]

Hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội VẪN CÒN CHẢY MÃI, SÔNG ƠI!

Thứ 3, 24/08/2010 | 11:09:16
1,184 lượt xem
Trong dân gian còn lưu truyền câu chuyện bi hùng kể về một tộc vị họ Trần vào năm 1133 đã di rời mộ tổ dòng họ nhà mình từ Tức Mặc ( Nam Định) về Thái Đường ( Tiến Đức - Hưng Hà nay) khai khẩn vùng đất hoang vu với những gò đất nổi lên giữa một vùng biển nước mênh mông trở thành điền trang trù mật và biết khai thác mọi tiềm năng của miền đất ấy để sớm đưa ước vọng tộc Trần thống lãnh thiên hạ. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: " Nhà Trần Lý do nghề đánh cá làm giàu, người quanh vùng quy phục..."

Phù sa của các con sông bồi đắp lên những cánh đồng "bờ xôi, ruộng mật". Ảnh: Quang Viện

Vùng đất ấy nhanh chóng trở thành một hậu cứ vững chắc và sầm uất khiến các bậc vương triều phải chú ý. Năm 1209, loạn Quách Bốc xảy ra khiến triều đình nhà Lý nghiêng ngả. Biết đến một vùng đất trù mật có thể làm nơi trú nạn, Hoàng Thái tử Sảm (sau này là vua Lý Huệ Tông) đã chạy về bến Lưu Gia (Canh Tân - Hưng Hà) nương náu. Họ Trần đã dốc lòng phò tá, lấy danh nghĩa giúp nhà Lý, họ Trần đã đã chiêu tập trai đinh làm hương binh đi khắp vùng hạ lưu sông Hồng và sông Luộc truy quét những toán quân cát cứ. Cũng từ câu chuyện trú nạn của Hoàng Thái tử Sảm, một thiên tình sử giữa cô thôn nữ họ Trần và Thái tử nhà Lý đã đơm hoa, kết trái nhanh chóng đưa nhà Trần thành ngoại thất nhà Lý.

 

Đến cuối năm 1226, nhà đạo diễn thiên tài Trần Thủ Độ, một danh tướng triều Lý với mưu lược uyên thâm đã hạ màn kết thúc trọn vẹn không một mảy may sơ sảy cảnh Lý Chiêu Hoàng, nữ hoàng đế, vị vua cuối cùng triều Lý tự tay cởi áo bào nhường ngôi cho Trần Cảnh mới 8 tuổi, lên ngôi vua trước sự chứng kiến của bá quan văn võ. Cuộc chuyển giao quyền lực vương triều thành công chóng vánh, tiếp quản bộ máy điều hành rệu rã cùng với nền kinh tế suy tàn nhà Trần nhanh chóng ban hành chính sách khuyến nông  xem "sự đủ ăn là ước nguyện của dân, lấy việc cấy cày là gốc của nước" vốn đã bị bỏ quên dưới triều Lý do loạn lạc kéo dài làm trọng.

Lúa vàng, một màu ấm no, biểu trưng của Thái Bình.

Ảnh: Quang Viện

 

Nhận thấy vùng đất Long Hưng dồi dào sản vật, nhà Trần đã nhanh chóng cắt đặt, chia phần khảo dựng điền trang, thái ấp, đồng thời với chính sách khuyến nông của Triều đình, các bậc vương hầu huy động cả nô tì, chiêu mộ dân nghèo khắp nơi dồn tới các bãi ven sông Luộc, sông Hóa, sông Hồng khai khẩn đất hoang, đắp đê ngăn mặn, mở rộng diện tích canh tác ra tận biển xanh. Cũng để tiện việc trông coi, ban phát lương bổng, Trần Thủ Độ trực tiếp cai quản điền trang ở ấp Ngừ, làng Khuốc, làng Khống ( xã Liên Hiệp và Thái Hưng - Hưng Hà); Tướng quốc thái úy Trần Nhật Hạo làm chủ điền trang ở Dương Xá ( Tiến Đức); Phụng Kiền vương Trần Liễu trông coi thêm các vọng ấp mới, cùng với đất đai cũ đã được nhà Lý ban cho ở vùng A Côi, Phụ Phượng... Không chỉ trong họ tộc Trần triều, ba anh em họ Nguyễn là Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Siêu, Nguyễn Việt nhờ có công đi sứ cũng được Vua Trần Thánh Tông ban cho hơn 123 mẫu đất ở Đa Bối ( Thụy Phúc - Thái Thụy) vào năm 1269.

 

Các vùng Đặng Xá ( xã Phú Sơn - Hưng Hà) được ban cho công chúa Quỳnh Hoa khai khẩn; làng Giành ( An Ninh - Quỳnh Phụ) do thị nữ Phương Dung đứng chủ; vùng Nam Quán ( Đông Các - Đông Hưng) do bảng nhãn Chu Hinh cai quản. Bước ra biển Đông, dưới sự chỉ đạo khẩn hoang của Bảo Anh phu nhân không lâu sau đó đã hình thành điền trang ở Phất Lộc ( Thái Giang - Thái Thụy); Thượng Liệt ( Đông Tân - Đông Hưng); Quang Lang ( Thụy Hải ) gắn với sự tích bà Chúa Muối ( vợ vua Trần Anh Tông). Nặng lòng với vùng đất không chỉ cưu mang nuôi lớn ý chí thống lĩnh thiên hạ của tộc họ Trần mà còn giúp nhà Trần hưng nghiệp, phát tích, sử cũ còn ghi, vào thời điểm 73 năm sau khi đoạt vương triều, vua Trần Nhân Tông ban nhiều sắc chỉ cổ súy dân chúng tích cực canh nông, tích trữ lương thảo.

Nụ cười bình thản của trẻ thơ bên dòng sông Trà Lý

Ảnh: Quang Viện

 

Vị vua anh minh nhắc nhở cháu con rằng: " Nhà Trần ta khởi nghiệp từ bãi biển cho nên thích hình con Rồng vào vế đùi là có ý tỏ ra không bao giờ quên nguồn gốc" ( Việt sử thông giám cương mục). Với ý thức sống " quay đầu về gốc" nhà Trần đã cho quân đội tập trung về Long Hưng ( khu vực phía bắc Thái Bình nay) xây dựng hành cung Long Hưng vững mạnh, quân đội được gửi vào trong nhân dân vừa làm ruộng, vừa luyện binh, gọi là " ngụ binh ư nông".

 

Sử cũ chép rằng, đầu năm 1248, Trần Thái Tông đã hạ chiếu huy động dân các lộ tiến hành đắp đê quai dọc theo sông Hồng, sông Luộc lan rộng cả vùng bắc bộ. Các lộ Long Hưng, Kiến Xương, An Tiêm dân chúng nô nức hưởng ứng công cuộc "cơi đê sông Hồng, khai thông Luộc, mở rộng sông Sinh, cắt phình sông Hóa". Do vậy, nước lũ, nước mặn đều thông thoát, không còn nạn úng tắc, đất đai trồng cấy trở lên phì nhiêu, mùa màng bội thu. Câu chuyện vẫn lưu truyền trong dân gian đầy cảm động khi Thái sư Trần Thủ Độ đích thân đi khảo sát vùng Ngự Thiên ( Hưng Hà nay) để vạch kế hoạch cải tạo vùng đất đầm lầy thành những cánh đồng trù mật. Ông điều binh, đốc thúc gia nô vừa khai mở vừa nắn dòng một con con sông nhỏ bắt nguồn từ sông Luộc, trở thành con sông cung cấp nước cho nông nghiệp cả một vùng rộng lớn gồm huyện Diên Hà, Thần Khê, kéo nước ra tận bến Thượng Hộ.

 

Không chỉ là con sông đưa nước phục vụ nông tang, nó còn là đường giao thông thủy lợi hại với những chòi canh Quan Chiêm, bảo vệ nghiêm cẩn khu lăng tẩm và hành cung Long Hưng. Dòng sông ấy trải qua hơn bảy trăm năm bây giờ vẫn còn sung sức, đêm ngày sông vẫn chở nặng phù sa tưới mát cho ruộng đồng trù mật, cho bờ bãi dâu xanh, cho bình yên những xóm làng. Dân chúng không quên ơn công lao Thái sư nên đã gọi tên con sông ấy là "dòng sông Thái sư". Nhờ công cuộc trị thủy, khẩn hoang một vùng đất hoang vu, lau lách trở thành vùng đất trù mật đã đem lại thành quả kinh tế rực rỡ triều Trần. Sử còn ghi: Trần Phu là sứ giả nhà Nguyên ( phương bắc) sang Đại Việt năm 1292 sau khi cuộc chiến chống quân Nguyên ác liệt của quân dân Nhà Trần đại thắng đã phải thốt lên rằng: "Ở Long Hưng lúa mỗi năm chín bốn lần, tuy vào giữa mùa đông mà mạ vẫn mườn mượt".

 

Chính sách khẩn hoang, trị thủy đẩy nhanh công cuộc mở mang những cánh đồng bờ xôi, ruộng mật khiến dân chúng không chỉ ở lộ Long Hưng mà cả lộ Kiến Xương đời sống no đủ, dư dật hơn các vùng khác nên dốc lòng, dốc sức miệt mài khai thủy, nhập điền. Không chỉ các nô tì trong các vương hầu gia, mà ngay cả các "cảo nhi" và "cảo hoanh" tên gọi các tù nhân nam, tù nhân nữ bị bắt ở các nơi cũng được đưa về các lộ để khai khẩn đất hoang, đào sông, trị thủy rồi dựng vợ gả chồng tạo dựng các gia đình tính chuyện gắn kết lâu dài tạo lập nên các làng, xóm mới. Tiếng lành đồn xa, dân nghèo ở phía bắc tìm xuống, phía nam kéo ra xin được ở lại khai hoang lập hóa mưu sinh. Tất cả đều chịu thương chịu khó làm lụng khuya sớm mà hình thành lên các làng, xã cho đến tận bây giờ.

 

Do khơi thông dẫn thủy nhập điền, nạo vét các mương nước, ngòi, lạch trở thành những con sông lớn nhỏ chằng chịt không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn là mạng lưới giao thông thủy bộ vô cùng lợi hại cho quân đội nhà Trần lúc bấy giờ. Xem lại sử cũ ghi rằng: Năm Đinh Tỵ 1257, đời Nguyên Phong ( Trần Nhân Tông)... trước khi Thăng Long lọt vào tay giặc Nguyên hung bạo, Hoàng Hậu Trần Thị Dung, cô thôn nữ ngày xưa đã từng có nhiều công sức đưa họ Trần trở thành ngoại thất nhà Lý và thành bậc vương triều hùng mạnh, thêm một lần nữa đứng ra lo lắng việc quân cơ, tổ chức sơ tán hoàng triều. Bà lại chọn Ngự Thiên - Long Hưng, chốn quê xưa làm nơi trú ẩn.

 

Cả kinh thành Thăng Long lui về Ngự Thiên an toàn đã làm yên lòng tướng sỹ. Không phải ngẫu nhiên mà con đường rút lui chiến lược sơ tán Hoàng gia khỏi cơn loạn lạc binh đao khói lửa lại trùng với con đường phản công dữ dội đem lại chiến công hiển hách có một không hai trong lịch sử của quân đội nhà Trần năm 1258, đại thắng quân Nguyên mông hung bạo nhất thời đại lúc bấy giờ. Điều tưởng chừng như đơn giản ấy lại khiến vua tôi nhà Trần có dịp nhìn nhận và suy ngẫm sâu sắc về mảnh đất ven bờ cuối bãi, về vị trí chiến lược cũng như tiềm năng dồi dào của một vùng đất đã được chọn làm nơi hưng nghiệp nhà Trần.

 

Thái Bình - một vùng đất dày đặc những con sông, phía tây - tây nam có sông Hồng, phía Bắc có sông Luộc, sông Hóa vươn dài ra biển lớn như hai cánh tay ôm trọn lấy những cánh đồng trù mật, tỏa vào trong đan chặt lòng với những con sông nhỏ thấm sâu vào đất dòng nước mát cho mùa vàng bội thu. Thế đất, thế sông nước muôn đời ấy đã tạo cho quân đội nhà Trần vốn " đời đời quen nghề chài lưới", thông thạo thủy chiến thế mạnh như nước triều dâng sẵn sàng nhấn chìm cả đội quân Nguyên Mông tinh nhuệ và hung hãn chỉ quen ngồi trên lưng ngựa.

Bài và ảnh: LÊ QUANG VIỆN

( Xem thêm ĐVSK TOÀN THƯ)

  • Từ khóa