Chủ nhật, 11/08/2024, 16:14[GMT+7]

Một gia đình ba thế hệ cách mạng

Chủ nhật, 01/09/2013 | 11:27:18
683 lượt xem
Hàng năm, cứ vào dịp Quốc khánh 2/9 là ông Nguyễn Văn Tích (Vũ Quý, Kiến Xương) lại có thói quen dành nhiều thời gian cho căn phòng truyền thống của gia đình, cẩn thận và tỷ mỷ sắp xếp, lau những tấm huân, huy chương từ thời kháng chiến chống Pháp. Những hiện vật giúp ông hồi tưởng và sống lại một thời chiến đấu gian khổ nhưng oanh liệt, tự hào về truyền giống gia đình và cũng để “nói chuyện” với người con trai đã anh dũng hy sinh mà đến nay thi thể vẫn nằm lại nơi trận mạc.

Ông Nguyễn Văn Tích chăm sóc vườn cây cảnh của gia đình.

 

Ðã bước sang tuổi 83 nhưng ông Nguyễn Văn Tích trông vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Khi biết chúng tôi đến tìm hiểu về truyền thống gia đình, về những năm tháng đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, ông Tích tỏ ra rất hứng thú và phấn khích.

 

Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, thời gian và tuổi tác khiến con người ta quên đi nhiều thứ nhưng với ông Tích những ký ức về đời lính vẫn hằn sâu trong trí óc. Ông vẫn nhớ như in những địa danh mà mình đã đi qua, những trận chiến sinh tử mà mình đã tham gia, kể cả những trận đánh từ thời chống Pháp. Trầm ngâm một lúc, ông Tích chậm rãi kể: Ngày này cách đây 68 năm, nhân lúc tên quan phủ đi thị sát đê điều, nông dân các xã quanh nơi ông ở đã đồng loạt nổi dậy kéo về huyện lỵ Kiến Xương giành lại chính quyền, khắp nơi tràn ngập cờ và biểu ngữ ủng hộ cách mạng, ủng hộ Việt Minh.

 

Trong dòng người ào đi giành lại quyền sống, quyền tự do đó có bố ông - cụ Nguyễn Văn Huyên, khi đó đã ngoài 60 tuổi. Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch diệt “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”, cụ Huyên đã tích cực vận động mọi người đi học, tham gia đội du kích lão bạch đầu quân, cùng một số anh em du kích bí mật sang Hải Phòng mua súng và lựu đạn để chống trả kẻ thù xâm lược, xung phong nhận nuôi bộ đội tại nhà để hoạt động cách mạng...Ghi nhận những công lao đóng góp cho cách mạng, cụ Nguyễn Văn Huyên đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba; được Ủy ban MTTQ tỉnh tặng Giấy chứng nhận Phụ lão thi đua 3 giỏi, Phụ lão 3 tốt; được Tỉnh đội Thái Bình tặng Giấy khen; được Ủy ban hành chính huyện Vũ Tiên (cũ) khen thưởng vì có thành tích đóng góp xây dựng trường học tại địa phương...

 

Thời kỳ này, dù chỉ là một thanh niên còn rất trẻ nhưng ông Tích đã sớm giác ngộ và đi theo cách mạng. Khi thực dân Pháp đánh chiếm Thái Bình, chúng lập bốt, càn quét, đốt phá làng mạc, giết hại chiến sĩ cách mạng, ông đã xung phong tham gia du kích địa phương, bí mật sơ tán bộ đội và thương binh đến nơi an toàn. Cuối năm 1950, ông tham gia bộ đội chủ lực ở Ðại đội Ðề Thám sau đó chuyển sang Quân khu Tả Ngạn trực tiếp tham chiến chống trả sự càn quét của giặc Pháp tại các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên. Em trai ông là Nguyễn Văn Tịch cũng hăng hái lên đường cấm súng đánh giặc bảo vệ quê hương.

 

Trong trận phục kích ở bốt Trực Nội (gần cầu Vật, huyện Quỳnh Phụ) để cản đường hành quân của giặc Pháp từ hướng Thái Bình về Trực Nội, cả hai anh em ông cùng tham chiến. Trận đánh diễn ra cam go, ác liệt, tổ của em trai ông gồm 3 người tiến sát hàng rào để chiếm bốt đã bị quân Pháp phòng thủ phía trong bốt phản kích quyết liệt. Em trai ông cùng hai đồng đội đã anh dũng hy sinh, còn ông cũng bị thương trong trận đánh đó. Vì có nhiều thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ông Tích đã được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp quân khu 2 năm liên tiếp, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu và vinh dự đứng trong hàng ngũ của Ðảng khi mới 22 tuổi.

 

Sau năm 1954, ông được điều động về Trung đoàn pháo 49, Lữ đoàn 368 đóng quân ở Bắc Giang; được cử sang Trung Quốc học chuyên sâu về pháo mặt đất hơn 3 năm sau đó được cử làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 - Lữ đoàn 368. Khi giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, ông được cử sang Liên Xô (cũ) học về kỹ thuật tên lửa, về nước được điều chuyển sang Trung đoàn tên lửa 261. Chỉ riêng năm 1969, đơn vị của ông đã bắn rơi 4 chiếc máy bay do thám không người lái của Mỹ. Thời điểm đó, mặc dù Bác Hồ ốm rất mệt nhưng khi biết tin Bác đã gửi lẵng hoa động viên anh em chiến sĩ ngoài mặt trận. Với khí thế “đâu có giặc là ta cứ đi”, ông cùng đơn vị tham chiến ở nhiều chiến trường khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam và vinh dự có mặt trong ngày vui đại thắng 30/4/1975 thống nhất non sông.

 

Noi gương cha và truyền thống gia đình, năm 1968 khi đang ngồi trên ghế nhà trường nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, con trai ông là Nguyễn Mạnh Chiến đã xung phong ra trận và được kết nạp Ðảng. Năm 1971, anh Chiến đã anh dũng hy sinh ở chiến trường miền Nam khi mới 19 tuổi và đến nay xương máu của anh vẫn nằm lại nơi chiến trường xưa.

 

Nhờ có nhiều thành tích trong kháng chiến, ông Nguyễn Văn Tích đã được Nhà nước tặng thưởng 9 Huân - Huy chương các hạng và hàng chục huy hiệu, kỷ niệm chương, bằng khen, giấy khen. Trước lúc chia tay, ông Tích nói với chúng tôi: Vào dịp Quốc khánh năm ngoái ông vinh dự được nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Ðảng, còn dịp Quốc khánh năm nay ông có hai người cháu nội đến báo tin vừa thi đỗ đại học (trong đó có một cháu vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự và được xét kết nạp Ðảng). Với ông, đó chính là những phần thưởng vô giá ở đời.

Bài, ảnh: Vũ Mạnh

 

  • Từ khóa