Chủ nhật, 28/07/2024, 21:20[GMT+7]

MỄ THƯƠNG VÀ TRẬN CHIẾN BÊN SÔNG KỲ III: LƯỚI SẮT CỬA LỤC DẸP TAN GIẶC THÁT

Thứ 3, 14/09/2010 | 22:40:53
2,645 lượt xem
Long Hưng - Kiến Xương, cả một dải giang sơn thấm đẫm máu quân thù. Nơi tông miếu xã tắc nhà Trần cũng không được ngủ yên nhưng điều không thể phủ nhận được chính là thế trận lòng dân của nhà Trần mà người dân Long Hưng thực hiện rất thành công, đem lại chiến công vang dội.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tánh, thôn Tu Trình kể chuyện một đêm lưu lại của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương và bài vị thờ 5 vị Thành Hoàng làng. Ảnh: Quang Viện

Tháng 6 năm 1285, các vua Trần quyết định lấy thêm lực lượng ở Long Hưng, bổ sung thêm lương thảo rồi ngược dòng sông Hồng tiến đánh quân Nguyên - Mông. Thế nước  Đại Việt trở lại hùng mạnh, đẩy quân giặc lâm vào bị động, túng quẫn.

Bài vị thờ 5 Vị Thành Hoàng làng trong Đình làng Tu Trình

Ảnh: Quang Viện

 

Sử cũ ghi: Tổng quản Trương Hiển ở Đại Mang phải hạ giáo đầu hàng. Quân giặc ở Tây Kết cũng "hồn bay, phách lạc". Các cánh quân của nhà Trần tập hợp lại với nhau tạo nên một sức mạnh như thế chẻ tre, khiến quân Nguyên - Mông tan tác trên khắp các chiến trường. Chiến thắng này là niềm động viên lớn lao quân dân nhà Trần thừa thắng xông lên tiêu diệt quân thù, giữ vững non sông Đại Việt.

 

Long Hưng - Kiến Xương, cả một dải giang sơn thấm đẫm máu quân thù. Nơi tông miếu xã tắc nhà Trần cũng không được ngủ yên nhưng điều không thể phủ nhận được chính là thế trận lòng dân của nhà Trần mà người dân Long Hưng thực hiện rất thành công, đem lại chiến công vang dội.

 

Một căn cứ địa vững chắc, một thế trận lợi hại phòng tuyến chống quân xâm lược phương Bắc của Đại Việt, điều này đã giúp cho tướng soái quân sự lỗi lạc nhà Trần vạch ra kế sách đánh giặc chủ động, táo bạo và độc đáo. Nhân dân các lộ đông - nam thêm niềm tin vào sức mạnh quân triều đình, cùng trăm họ hết lòng giúp vương tộc nhà Trần liên tiếp chiến thắng quân thù.

Dấu tích của Bến Tượng xưa kia, nay chỉ còn trơ nền móng cũ, hiện nơi đây đã được trùng tu, tôn tạo thành một khu di tích lịch sử.

Ảnh: Quang Viện

 

Tiếng gươm của những con người chân đất, áo vải xông lên chiến đấu giữ từng tấc đất ông cha chưa ngừng khua thì quân dân nhà Trần nhận được tin mật báo quân Nguyên - Mông lại chuẩn bị tiến công Đại Việt. Trước những nguy cơ chiến tranh tới gần, vua Trần Nhân Tông liền cho thiết triều khẩn cấp. Sử cũ ghi rằng: “vào tháng 6 sai các vương hầu tôn thất mộ binh và nắm vững quân thuộc hạ của mình”. Chính sử ghi: trong một cuộc thiết triều, vua đã hỏi Trần Hưng Đạo: “Thế giặc năm nay thế nào?”.

 

Trần Hưng Đạo trả lời: “Nước ta thái bình lâu ngày, dân không biết việc binh, nên năm trước quân Nguyên xâm lấn, hoặc có người đầu hàng trốn tránh. Nhờ uy binh của tổ tông và thần vũ của bệ hạ mà đã quét sạch được rợ Hồ. Nay nếu nó lại sang thì quân ta đã quen việc đánh dẹp, mà quân nó thì ngại việc đi xa. Vả lại, nó đã cạch về sự thất bại của Hằng và Quán, nên quân Nguyên không có lòng chiến đấu nữa. Cứ ý thần xem, thì tất đánh tan được chúng”.

 

Đình làng Tu Trình, nơi ghi dấu một đêm nghỉ lại của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương.

Ảnh: Quang Viện

 

Hưng Đạo Vương đã nhận định đúng về sự tất thắng của quân dân nhà Trần trong cuộc chiến tranh ác liệt với quân Nguyên - Mông hung bạo sắp sửa xảy ra. Bằng cái nhìn chiến lược về cuộc chiến, vua tôi nhà Trần thấy toát lên một niềm tin mạnh mẽ vào khả năng chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu của quân dân Đại Việt với sự lãnh đạo sáng suốt của các vị vua Trần trong đó có vua Trần Nhân Tông. Một lần nữa, vua Trần Nhân Tông “sai Hưng Đạo Vương tổng đốc các vương hầu quân tôn thất điều động quân đội và chế tạo khí giới thuyền bè. Đến tháng 10 cho kiểm điểm và luyện tập các quân đã điều động”.

 

Đại Việt đã ráo riết chuẩn bị phương tiện, nhân lực và khí tài để chiến đấu bảo vệ non sông với niềm tự tin mạnh mẽ vào chiến thắng cuối cùng. Năm Đinh Hợi (1287) vừa qua đi, niền tin tất thắng được củng cố bền vững hơn.  Sử cũ ghi: “tháng 2,(...) có quan chấp chính xin tuyển người mạnh khỏe làm lính để tăng số quân. Hưng Đạo Vương đã không đồng ý, Ngài tâu với vua Trần rằng: "Quân cần tinh, không cần nhiều. Dù nhiều đến như Bồ Kiên có 100 vạn quân, có làm gì được đâu?’”. 

Tam bảo Đình làng Tu Trình, nơi thờ 5 vị Thành Hoàng làng, phối thờ Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương.

Ảnh: Quang Viện

 

Vua Trần nghe vậy không đôn quân bắt lính, nhà Vua còn “đại xá cho thiên hạ”, thể hiện chính sách ổn định lòng dân. Đợt đại xá lần này cách đợt trước chưa đầy nửa năm. Nhà Vua yêu cầu thuộc hạ khẩn trương thực hiện, bởi trong lúc vận nước nguy nan, giặc ngoài rình rập thì việc đại xá thiên hạ thể hiện tính nhân đạo của triều đình nhà Trần và thể hiện tình cảm, trách nhiệm của nhà vua với muôn dân. Sử cũ cũng ghi: trước khi xảy ra cuộc chiến tranh 1285, vua Trần Nhân Tông răn dạy muôn dân Đại Việt rằng: “Phàm các quận huyện trong nước, nếu như có giặc ngoài đến, thì phải tử chiến. Hoặc nếu sức yếu, địch không lại thì cho phép trốn vào trong núi đầm. Không được đầu hàng”.

Cây hương và bia đá cổ tại Miếu Am Qua (xã An Đồng huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình) nơi xưa đây là kho lương của nhà Trần.

Ảnh: Quang Viện

 

Với sự chuẩn bị về tinh thần lẫn vật chất như vậy, quân dân Đại Việt sẵn sàng đón nhận các cuộc chiến đấu ác liệt nhằm bảo vệ non sông gấm vóc của mình. Cuối năm 1287 bước sang đầu năm 1288, Trấn Nam vương Thoát Hoan hằn học vì bại trận đã quyết quay trở lại Đại Việt để rửa nhục. Hắn cầm đầu toán quân 50 vạn binh chủ lực, khát máu, được trang bị thêm những chiến thuyền cỡ lớn. Tháng 2 năm 1288, chúng đặt chân tới kinh thành Thăng Long.

 

Không thấy có sự phản kháng nào, chúng giật mình. Lúc đó, tham chính Ô Mã Nhi hằn học vì bị coi thường đã đốc thúc quân lính tức tốc tìm đường đuổi bắt các vua Trần. Đám thủy quân của Ô Mã Nhi đi dọc các triền sông, lùng sục tàn phá các làng quê yên bình của Đại Việt nhưng chúng không hề thấy dấu vết, tăm hơi các vua Trần. Ô Mã Nhi hung hăng vung gươm chỉ lên trời mà than rằng: "...ngươi chạy lên trời, ta theo lên trời. Ngươi trốn lên núi, ta theo lên núi, ngươi lặn xuống nước, ta theo xuống nước".

 

Từ Thăng Long, hỗn quân Nguyên - Mông lục soát đến ngã ba Hải Thị (Tân Lễ - Hưng Hà) sau bao ngày nhọc công, đã không nhận ra dấu vết nào khác. Chúng tức tối. Ô Mã Nhi gầm gừ, dọa sẽ ăn tươi nuốt sống các vua Trần. Không làm gì được vua tôi nhà Trần, chúng tràn vào Long Hưng đào bới, đập phá lăng tẩm, tôn miếu xã tắc nhà Trần. Chúng cướp bóc, giết chóc, hãm hiếp phụ nữ...cho thỏa nỗi uất ức.

 

Lúc này, vua tôi nhà Trần dù đau xót trước cảnh tàn phá tông miếu, đốt làng, hãm hiếp,  giết người của quân giặc, vẫn bình tĩnh chỉ đạo các toán quân chủ lực tinh nhuệ, giữ vững dũng khí, bình tĩnh, bí mật lùi xuống vùng ven biển. Những căn cứ ven biển với lợi thế sông pha biển, lau lác um tùm vì đã được chuẩn bị khá kỹ lưỡng nên quân đội nhà Trần có thể yên tâm chiến đấu lâu dài mà im hơi, lặng tiếng. Sự im lặng đã khiến quân giặc hoảng sợ.

 

Nhưng, chúng hiểu được điều này thì cũng đã muộn. Hơn hai tháng lùng sục, không tìm được các vua Trần, quân lương kiệt quệ, thời tiết nóng bức cùng dịch bệnh đe dọa, giặc lâm vào thế khốn quẫn. Ngày 9 tháng 4 năm 1288, sau khi đánh giá đúng tình hình của địch, những đội quân tinh nhuệ, còn vẹn nguyên và cường tráng của nhà Trần bỗng dưng xuất hiện từ các lộ ven biển, đồng loạt ào lên, dưới sự chỉ đạo kiệt xuất của Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương rầm rộ tiến lên phía Bắc, hội gặp với các cánh quân khắp vùng lập nên một trận Bạch Đằng Giang, phá tan giặc Thát, trở thành huyền thoại có một không hai trong lịch sử.

 

Trong dân gian còn lưu truyền rằng: Hưng Đạo Vương đi theo cửa Tam Giang (cửa sông Thái Bình) vào căn cứ Bát Đụn Trang và nghỉ lại ở Tu Trình (xã Thụy Trình - Thái Thụy) để xem việc chuẩn bị lực lượng. Nghe tin này, trai tráng khắp vùng nô nức đến đầu quân. Ở nơi đây vẫn lưu truyền câu chuyện về một gia đình có 5 anh em trai đều gia nhập quân đội. Câu chuyện kể mãi về gia đình bà Đào Thị Từ Nhân ở thôn Tu Trình có năm người con là Đường Lang, Trung Lang, Hải Tôn, Nam Bồ, Cây Mấy... đều hy sinh nơi chiến trận chống giặc Thát.

 

Người làng tiếc thương đã phối thờ các ông như thành hoàng làng. Hưng Đạo Vương để quân chủ lực tinh nhuệ nghỉ ngơi trước khi vào trận chiến ác liệt. Rồi ông cho quân binh ngược dòng sông Hóa về A Sào, Đại Nẫm lấy thêm lương thảo, nạp thêm quân binh, thu thêm nhiều nghĩa sỹ khắp vùng tạo nên một đội quân hùng hậu đi đến đâu quân reo hò vang động đất trời đến đó.

 

Cả một vùng cờ xí rợp trời. Giặc chỉ nghe thấy tiếng reo hò của quân binh nhà Trần đã tim đập, chân run. Chúng không tưởng tượng ra nổi cảnh phản công của quân dân nhà Trần với tinh thần tự tôn dân tộc quyết quét sạch bóng thù ra khỏi bờ bãi. Tại bến sông Hóa, cạnh A Sào, khi quân binh nhà Trần vượt sông tiến về Bạch Đằng Giang, voi chiến của Hưng Đạo Vương bị sa lầy. Dân chúng đã mang gỗ, tre, rơm, rạ, có hào kiệt cho rỡ cả nhà gỗ lim để tìm cách cho voi chiến của Ngài thoát hiểm sình lầy.

 

Chiến trận đang độ gấp gáp, quân tiền phương trông chờ vào đại quân của Hưng Đạo Vương. Thế trận dồn dập mà voi chiến càng ngày càng lún sâu trong sình lầy. Voi nhìn chủ ứa nước mắt. Chủ tướng nhìn voi mà lòng quặn đau. Nhân dân thương tiếc nhưng không có cách nào cứu được voi chiến của Ngài. Hưng Đạo Vương rút gươm chỉ xuống dòng sông Hóa mà thề rằng: Nếu không thắng trận ta sẽ không trở lại bến sông này nữa.

 

Nhân dân khắp vùng kéo đến úy lạo Hưng Đạo Vương. Quân đi tới đâu, nhân dân ùa ra tới đó, họ còn mang theo nhiều lương thảo, quà cáp hoan hỉ đưa tiễn quân binh ra trận với lời cầu chúc đại thắng. Trận ấy, tại Bạch Đằng Giang, chiến công vang dội chiến công. Quân Nguyên - Mông đã phải trả giá. Những cọc gỗ, lưới sắt giăng đầy cửa Lục đã trở thành mồ chôn giặc Thát.

 

Cùng lúc ấy, các cánh quân khác ở khắp nơi đổ dồn tin chiến thắng, giặc Nguyên - Mông bị tiêu diệt nhanh chóng. Từ biên giới phía bắc cho tới miền biển xa, đâu đâu cũng nghe tiếng quân reo khải hoàn. Lúc này, Thượng Hoàng Trần Thánh Tông xuất hiện cùng vua Trần Nhân Tông trong màu áo bào vương mùi trận mạc, trờ về từ Bạch Đằng Giang còn sôi động chiến công.

 

Ngày 18 tháng 4 năm 1288, vua tôi nhà Trần tiến thẳng về Chiêu Lăng ở Long Hưng để làm lễ bái yết tổ tông. Những tướng giặc hung hãn như: Phàn Tiếp, Ô Mã Nhi, Tích Lệ Cơ, Sầm Đoạn...cùng các thiên hộ, vạn hộ nhục nhã cúi gằm mặt chịu thân phận là những tù binh bại trận được dẫn về tông miếu nhà Trần. Chúng kinh hoàng trước tôn miếu xã tắc Đại Việt, bởi chỉ mới đây còn nguyên vẹn, vậy mà dưới vó ngựa tàn bạo của hung nô đã trở thành phế tích. Những con ngựa đá, nghê đá... linh vật trông coi tông miếu cũng ngả nghiêng, lấm bùn và  dường như chúng cũng hiểu được nỗi lòng của vua tôi nhà Trần.

Bài và ảnh: LÊ QUANG VIỆN

(Tài liệu tham khảo: ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày