Chủ nhật, 28/07/2024, 21:22[GMT+7]

"Thoi thóp" khu chăn nuôi tập trung An Tràng

Thứ 5, 30/06/2011 | 06:47:52
1,619 lượt xem
Năm 2007 cấp uỷ, chính quyền và người dân xã An Tràng (Quỳnh Phụ) rất phấn khởi khi tỉnh, huyện đã quyết định chọn nơi đây để xây dựng thí điểm khu chăn nuôi tập trung rộng 10ha nằm ven tuyến sông Đầy. Nhiều người kỳ vọng mô hình này sẽ mở ra hướng phát triển chăn nuôi mới, giúp các hộ tiếp cận với phương thức sản xuất tập trung quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp hàng hoá...

Tuy nhiên, 4 năm đã trôi qua nhưng hầu hết các mục tiêu của dự án đều không trở thành hiện thực. Cả khu chăn nuôi đang thoi thóp, rệu rã với vẻn vẹn 3 hộ tham gia đầu tư, trong đó có hộ chỉ sản xuất cầm chừng.

 

Khởi đầu hồ hởi

  

Sở dĩ An Tràng được chọn để xây dựng thí điểm khu chăn nuôi tập trung bởi nơi đây có nhiều điều kiện thuận lợi như bình quân diện tích đất canh tác/ đầu người cao nhất vùng. Toàn xã có khoảng 40ha diện tích đất hai lúa,  nằm ở vùng thấp trũng, khó điều tiết nước, nếu cấy lúa sẽ cho năng suất thấp nhưng lại rất phù hợp để chuyển sang đào ao nuôi thả thuỷ sản. Trước khi chuyển đổi, khu ruộng này thuộc quyền sử dụng của 81 hộ dân.

 

Ngay khi được phê duyệt, xã đã thành lập ban chỉ đạo GPMB, vận động các hộ dân trong vùng dự án tự dồn đổi ruộng hoặc bán, cho thuê để hình thành các mảnh lớn liền kề tạo thuận lợi cho việc đầu tư chuyển đổi. Bước đầu có 11 hộ đăng ký tham gia chuyển đổi với diện tích là 6,6ha, trung bình diện tích chuyển đổi của mỗi hộ khoảng 6.000m2, trong đó diện tích hộ lớn nhất lên tới gần 12.000m2...

 

Nhiều người dân xã An Tràng càng kỳ vọng vào sự thành công của khu chăn nuôi khi hàng loạt các công trình được đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách như: Tuyến đường trục chạy dọc chiều dài khu chăn nuôi rộng 4m với kinh phí 671,4 triệu đồng; kênh thoát nước bám sát đường giao thông với kinh phí 716 triệu đồng; lắp đặt các cống cuối kênh trị giá 23,7 triệu đồng; đường điện sáng và trạm biến áp trị giá 244,8 triệu đồng... Tổng kinh phí mà tỉnh và huyện đã đầu tư cho khu chăn nuôi tập trung An Tràng từ năm 2007 đến nay lên tới 2,7 tỷ đồng, chưa kể phần vốn tự đầu tư của các hộ dân tham gia dự án.

 

Hiệu quả mờ nhạt

  

 

Tuy nhiên viễn cảnh về một khu chăn nuôi tập trung hiện đại, đồng bộ, hiệu quả đã không trở thành hiện thực. Một số người từ tin tưởng và hy vọng đã tỏ ra thất vọng và hoài nghi về dự án. Cho đến nay phần lớn diện tích trong vùng chuyển đổi vẫn là những cánh đồng hai lúa năng suất thấp.

 

Sau 4 năm, cả khu mới chỉ có 5 hộ dân tham gia, trong đó chỉ có 3 hộ đã đầu tư sản xuất. Diện tích chuyển đổi của 3 hộ dân nói trên mới đạt 27.205m2; trung bình diện tích chuồng trại của mỗi hộ đạt 271m2, diện tích đào ao nuôi thả thuỷ sản đạt 3.246m2 và diện tích khu nhà trông coi khoảng 227m2. Tổng số vốn mà các hộ đã đầu tư cho chuyển đổi đạt trên 2 tỷ đồng, hộ cao nhất đầu tư hơn 1 tỷ đồng, hộ thấp nhất đầu tư 500 triệu đồng. Sau chuyển đổi, các hộ đều chọn mô hình nuôi lợn thịt, vịt đẻ, cá các loại và kết hợp trồng cây ăn quả.

 

Tuy nhiên, quan sát khu chăn nuôi vào thời điểm hiện tại chúng tôi không hề thấy bóng dáng của bất kỳ đàn vịt nào, một số khu chuồng nuôi lợn cũng có dấu hiệu bỏ hoang từ nhiều tháng nay, các cây ăn quả trồng ven bờ hầu hết không có giá trị kinh tế cao, chủ yếu là chuối các loại... Nhiều hạng mục công trình trị giá hàng trăm triệu đồng nhưng không phát huy được hiệu quả. Tuyến đường giao thông nội khu rộng tới 4m nhưng một số đoạn cỏ hoang đã mọc lan gần kín mặt đường. Tuyến kênh thoát nước cũng không có nước để thoát, có người nghĩ ra cách lật nắp đậy lên để nuôi cá trê lai cho đỡ phí...

 

 

Đáng lo hơn khi có hộ đã lợi dụng chuyển đổi để xây nhà kiên cố chuyển hẳn ra đó ở. Họ xây nhà khang trang, hiện đại và chỉ chuyển đổi phần nhỏ diện tích thành ao phía trước nhà, mục đích để tạo cảnh quan hơn là làm kinh tế. Các hộ khác tuy không xây nhà kiên cố nhưng có diện tích đất dành cho khu nhà trông coi đều vượt quy định.

 

Kết thúc dở dang

  

Nguyên nhân dẫn tới việc khu chăn nuôi tập trung An Tràng không phát huy được hiệu quả một phần do mô hình chăn nuôi tập trung quy mô lớn còn xa lạ với tập quán canh tác nhỏ lẻ, phân tán và tự phát của người nông dân.

 

Mặt khác, sự đầu tư hỗ trợ của các cấp chưa đồng bộ, phần lớn sự hỗ trợ mới chỉ quan tâm đến việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mà chưa chú trọng đến chuyển giao KH- KT, cung cấp cây- con giống, tìm kiếm thị trường đầu ra... vì vậy người dân đã chọn cách nuôi trồng các cây, con truyền thống, giống cũ, phương pháp chăn nuôi tận dụng nên hiệu quả kinh tế không cao. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ tại vùng chuyển đổi hiện chưa có cơ chế rõ ràng do vậy các hộ chưa yên tâm để bỏ vốn đầu tư.

 

Hoạt động chăn nuôi vài năm trở lại đây gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá thức ăn và con giống tăng cao, giá cả đầu ra không ổn định dẫn tới độ rủi ro cao đã tác động lớn đến tâm lý của một số hộ đã đăng ký nhưng chưa chuyển đổi. Chi phí đầu tư cho chuyển đổi khá lớn lên tới hàng trăm triệu đồng, phần lớn các hộ đều không có đủ số vốn tự có theo yêu cầu trong khi việc vay vốn tín dụng rất khó khăn do các quy định của ngành ngân hàng như hạn định tối đa, tài sản thế chấp...

  

 Là người theo dõi và quan tâm tới khu chăn nuôi tập trung ngay từ những ngày đầu, ông Nguyễn Duy Thịnh- Phó Chủ tịch UBND xã An Tràng cho rằng, thời gian tới nếu Nhà nước không có giải pháp tháo gỡ khó khăn về vay vốn tín dụng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ tham gia chuyển đổi thì việc khu chăn nuôi này bị “phá sản” là khó tránh khỏi. Một giải pháp khác có thể “cứu sống” nó là lập dự án kêu gọi nhà đầu tư chăn nuôi theo cơ chế doanh nghiệp bỏ vốn, chuyển giao kỹ thuật, bao tiêu đầu ra còn người dân góp đất và trở thành công nhân cho trang trại.

 

Bài, ảnh: Vũ Mạnh

  • Từ khóa