Chủ nhật, 28/07/2024, 13:29[GMT+7]

Đầu tư phát triển vùng chăn nuôi tập trung Cách làm của Thụy Ninh

Thứ 5, 30/06/2011 | 06:52:44
1,615 lượt xem
Năm 2006, Thụy Ninh là một trong 7 xã được tỉnh lựa chọn thí điểm đầu tư xây dựng vùng chăn nuôi tập trung. Sau 5 năm vừa xây dựng cơ sở hạ tầng vừa phát triển sản xuất theo hướng đa canh-đa con, khu chăn nuôi đã mang lại hiệu quả rõ rệt, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Chăn nuôi gia cầm của trang trại gia đình anh Phạm Xuân Huấn tại vùng chăn nuôi tập trung xã Thụy Ninh

Bí thư Đảng uỷ xã Phạm Văn Ngọ kể lại: đầu những năm 2000, phong trào chăn nuôi của Thụy Ninh, nhất là chăn nuôi lợn nái ngoại phát triển rất mạnh đem lại nguồn thu nhập lớn cho bà con, nhiều gia đình trở nên giàu có nhờ mở rộng chăn nuôi.

 

Song, bên cạnh mặt lợi về kinh tế, chăn nuôi với số lượng lớn, phân tán trong khu dân cư đã gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh phát sinh trên đàn gia súc, gia cầm. Sau đó, xã quy hoạch chuyển đổi những diện tích đất úng trũng cấy lúa kém hiệu quả ven sông Hoá cho các hộ dân đấu thầu xây dựng mô hình kinh tế VAC kết hợp. Nhưng do kinh phí đầu tư hạn hẹp, chủ yếu là vốn người dân tự có, tự làm nên sản xuất  manh mún, nhỏ lẻ. 

 

Chỉ đến khi UBND tỉnh có Quyết định thí điểm đầu tư xây dựng vùng chăn nuôi tập trung mới giúp chính quyền địa phương và người dân “gỡ bí” trong mở rộng quy mô sản xuất. Theo đó, khu chăn nuôi tập trung được quy hoạch trên cánh đồng Chiều Tô với diện tích 11,7 ha.

 

Xã yêu cầu và lựa chọn những hộ đăng ký ra vùng này phải có tiềm lực về kinh tế, kinh nghiệm chăn nuôi, cam kết với chính quyền  tự thoả thuận dồn đổi ruộng giải phóng mặt bằng. Đồng thời, tự xây dựng đề án sản xuất khả thi, hướng đầu tư cụ thể, tự chủ vươn lên, không trông chờ, ỷ lại các cấp, các ngành hoặc bỏ cuộc giữa chừng. Kết quả có 23 hộ đăng ký đầu tư và hầu hết đều sản xuất theo mô hình trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm kết hợp nuôi trồng thuỷ sản và trồng cây ăn quả, bình quân mỗi hộ quản lý 4.500 m2.

 

Một góc vùng chăn nuôi tập trung tại xã Thụy Ninh (Thái Thụy)

 

Sau 5 năm thực hiện dự án, đến nay khu chăn nuôi được đầu tư cơ bản hệ thống cơ sở hạ tầng gồm: đường bê tông, hệ thống cấp thoát nước, trạm biến áp, đường điện.... với tổng kinh phí hơn 4,7 tỷ đồng. Trong đó, người dân tự nguyện đóng góp 60 triệu đồng làm thêm đường đi và đường điện dẫn vào trang trại từng gia đình. Tất cả các hộ trong khu chăn nuôi đều đã được cấp giấy chứng nhận trang trại; 13/23 hộ được cấp giấy chứng nhận quyền  quyền sử dụng đất, nên bà con yên tâm đầu tư cho sản xuất.

 

Tổng số vốn xây dựng cơ bản và vốn lưu động của 23 hộ đến nay đạt 6,125 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ đã đầu tư 150 đến 300 triệu đồng, thậm chí có hộ vốn đầu tư đạt từ 500 đến 600 triệu đồng. Trang trại nào cũng bạt ngàn một màu xanh của cây cối, ao cá rộng mênh mông, nuôi hàng trăm gia súc, hàng ngàn gia cầm. Hàng năm, địa phương phối hợp với một số đơn vị, các công ty chế biến thức ăn gia súc tổ chức từ 5 đến 10 đợt tập huấn, chuyển giao  các tiến bộ KHKT trong chăn nuôi cho người dân. 

 

Mỗi chủ gia trại, trang trại đều là những "cán bộ thú y" tại gia đình, nắm chắc, thực hành thuần thục các kiến thức chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, tự tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm của mình. Nhờ vậy, sản xuất duy trì ổn định, phát triển mạnh cả về quy mô tổng đàn và cho hiệu quả kinh tế khá.

 

Tính đến hết tháng 4, đàn lợn nuôi thả trong 23 trang trại là 991 con (chiếm 23,05% tổng đàn lợn toàn xã), 13.120 con gia cầm (chiếm 23,4%  tổng đàn gia cầm trong toàn xã). Hầu hết các hộ sau 3 đến 5 năm đầu tư đều có thu, hộ nào ít một năm cũng lãi vài chục triệu đồng, còn những hộ ra đợt đầu tổ chức sản xuất quy mô lớn lãi cả trăm triệu đồng/năm.

 

Anh Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết: “ Từ khi ra khu chăn nuôi tập trung, được Nhà nước giao đất ổn định, diện tích rộng nên  hai vợ chồng rất yên tâm đã đầu tư khoảng 500 triệu đồng xây dựng cơ sở hạ tầng và vốn lưu động để sản xuất lâu dài. Việc quy hoạch chuồng trại cũng khoa học hơn, chất thải của vật nuôi vừa làm thức ăn cho cá vừa tiết kiệm được chi phí, giảm ô nhiễm môi trường. Từ năm ngoái đến nay, sau khi trừ các khoản chi phí, hai vợ chồng có nguồn thu 170 triệu đồng”.

 

Còn anh Phạm Xuân Huấn chia sẻ: “ Gia đình tôi ra khu chăn nuôi từ năm 2008, buổi đầu quật lập cũng vất vả. Hai vợ chồng đã đầu tư 150 triệu vào trang trại, đào ao thả cá, xây chuồng trại thường xuyên nuôi từ 100 đến 200 con lợn, 2.000 đến 3.000 gà vịt. Từ đầu năm đến nay, giá thực phẩm cao, đầu ra ổn định nên cũng có nguồn thu mấy chục triệu đồng”.

 

Anh Phạm Văn Ngọ Bí thư Đảng uỷ xã cho biết thêm: từ khi Thụy Ninh xây dựng vùng chăn nuôi tập trung lợi ích được rất lớn. Bình quân 1 ha cho giá trị thu nhập 568,79 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lợi nhuận đạt 207,9 triệu đồng, mỗi hộ lãi 62,47 triệu đồng/năm, gấp rất nhiều lần so với cấy lúa trước đây. Không chỉ lợi về kinh tế, chăn nuôi phân tán trong khu dân cư đã giảm dần, góp phần giải quyết những bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm.

 

Tuy nhiên theo lời anh Ngọ: nếu xét tổng thể thì hiệu quả của khu chăn nuôi vẫn chưa đạt yêu cầu đặt ra. Do vốn thực hiện chuyển đổi và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng quá lớn, đến nay hầu hết các hộ dân đã cạn vốn, có đến đâu làm đến đó nên sản xuất vẫn ở quy mô nhỏ, phân tán. Thêm vào đó, dịch bệnh liên tiếp xảy ra, giá thức ăn luôn ở mức cao và liên tục tăng, đầu ra không ổn định khiến các chủ trang trại nhiều phen lao đao.

 

Vì vậy, chính quyền địa phương cũng như các chủ trang trại mong muốn tỉnh, huyện tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn, thị trường tiêu thụ sản phẩm, tập huấn KHKT nâng cao trình độ sản xuất cho người chăn nuôi…để các trang trại phát triển ổn định, bền vững theo hướng sản xuất hàng hoá, tạo ra giá trị kinh tế cao hơn.

 

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

 

 

  • Từ khóa